Năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Sinh ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư lại được đón một cái Tết "ngọt" bởi sau một năm chăm chỉ lao động sản xuất, gia đình ông thu về gần 70 triệu đồng từ nuôi dê. Những ngày đầu xuân, trò chuyện với chúng tôi, ông phấn khởi: Không như những sản phẩm nông nghiệp khác thường gặp cảnh "được mùa, mất giá", nhiều năm trở lại đây, giá dê núi của Ninh Bình luôn ổn định, không lo gặp cảnh đầu ra bị tư thương ép giá, thậm chí dê núi ở Trường Yên mới chỉ đủ để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong huyện và tỉnh. Với ý tưởng hình thành vùng sản xuất hàng hóa, đồng thời giữ gìn và phát triển thương hiệu đặc sản dê núi Ninh Bình, các hộ nuôi dê ở xã đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê núi xã Trường Yên.
Từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác đã trở thành mái nhà chung cho các hộ gia đình nuôi dê cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh, tiếp cận các nguồn vốn vay, học hỏi những cách làm hay để phát triển đàn dê, phát triển kinh tế gia đình.
Cũng như hầu hết các hộ nông dân trong vùng, gia đình bà Phạm Thị Tâm (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp) đầu tư trồng đào phai và chăn nuôi con đặc sản như: lợn rừng, lợn cắp nách, hươu... Song, với phương thức làm ăn tự phát, đơn lẻ, bà rất lúng túng trong cách chăm sóc và xử lý dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng, không dám mở rộng quy mô vì sợ dịch bệnh và thị trường tiêu thụ hạn hẹp.
"Năm 2014, khi tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây con đặc sản xã Đông Sơn, không chỉ được tập huấn kỹ thuật, tham quan các mô hình mà giữa các thành viên còn chia sẻ, hỗ trợ nhau về kiến thức, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ. Từ đó, tôi mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng trang trại, theo đó lợi nhuận cũng tăng và ổn định"-bà Tâm chia sẻ.
Không chỉ riêng gia đình bà Tâm, gia đình ông Sinh mà các các hộ tham gia Tổ hợp tác đều được chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ tham gia các mô hình liên kết sản xuất.
Ông Trịnh Xuân Tiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây con đặc sản xã Đông Sơn cho biết: Tổ hợp tác tập trung cung cấp đầu vào cho tổ viên, đồng thời lo liệu việc tiêu thụ sản phẩm, cùng nhau thống nhất giá bán, cùng vận chuyển chung làm giảm chi phí để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên không những thường xuyên được cập nhật kiến thức mới để phòng trừ sâu bệnh và tiêm phòng cho gia súc, gia cầm mà còn tiết kiệm được chi phí đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, không bị ép giá. Các tổ viên cũng hỗ trợ, đổi công cho nhau khi mỗi hộ gia đình có những việc cần phải huy động nhiều lao động trong một thời điểm.
Đến nay, Tổ hợp tác đang duy trì khoảng 550 con dê, gần 200 hươu, 500 con lợn đặc sản các loại, 1.000 con gà đồi… Ngoài ra, tận dụng lợi thế đồi rừng, nhiều hộ đã đưa một số loại cây đặc sản vào trồng như cây quế, măng Bát độ, cây gỗ sưa, chuối tiêu hồng cùng một số cây truyền thống khác. Trong Tổ hợp tác, hộ có doanh thu cao nhất đã lên tới hàng tỷ đồng/năm, hộ thấp nhất cũng hàng trăm triệu đồng/năm.
Xuất phát từ thực tiễn và qua khảo sát, Hội Nông dân tỉnh nhận thấy bà con nông dân có nhu cầu liên kết với nhau để phát triển sản xuất, nhất là những hộ nông dân ở cùng một khu vực, cùng trồng trọt, chăn nuôi, chế biến dịch vụ. Tuy nhiên, bà con rất lúng túng không biết thế nào để hợp tác cùng nhau, có nơi tự phát thành lập tổ, nhóm, câu lạc bộ, có nơi dựa vào một doanh nghiệp hoặc một cá nhân nòng cốt.
Trước tình trạng đó, Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền về các văn bản của Đảng, Nhà nước, Trung ương Hội về kinh tế tập thể, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn hướng dẫn thủ tục thành lập Tổ hợp tác và Hợp tác xã. Đối với những hộ có nhu cầu, Hội Nông dân cấp xã, cấp huyện trực tiếp tổ chức, hướng dẫn các thủ tục, hỗ trợ kinh phí thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã.
Năm 2015, Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì vận động thành lập 69 Tổ hợp tác, củng cố và duy trì hoạt động của 142 Tổ hợp tác đã có từ trước với tổng số 2.315 hội viên nông dân tham gia. Trung bình các tổ hợp tác có từ 25 đến 30 thành viên; tổ ít nhất có 16 thành viên, tổ nhiều nhất có 76 thành viên.
Không chỉ đóng vai trò vận động, tuyên truyền hội viên, nông dân sản xuất theo mô hình mới, tư duy mới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ cho các tổ hợp tác.
Trong năm qua, có 61 Tổ hợp tác được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, 42 Tổ hợp tác được vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Hội còn phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn pháp luật cho 71 Tổ hợp tác, hướng dẫn xây dựng thương hiệu hàng hóa cho 13 Tổ hợp tác, hỗ trợ về xúc tiến thương mại cho 17 Tổ hợp tác.
Hoạt động liên kết tiêu biểu nhất giữa các thành viên trong tổ là liên kết vay vốn, mua vật tư nông nghiệp đầu vào, liên kết hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vật nuôi, cây trồng, liên kết ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Trong số 211 Tổ hợp tác do Hội Nông dân chủ trì giúp đỡ có 97 Tổ hợp tác thường xuyên liên kết các hoạt động giúp đỡ thành viên. Đặc biệt, đã xuất hiện một số Tổ hợp tác đặc thù như: Tổ hợp tác du lịch cộng đồng, Tổ hợp tác nghề đan cói, Tổ hợp tác chạm khắc đá mỹ nghệ...
Một số Tổ hợp tác sau khi hoạt động có hiệu quả đã phát triển về số lượng và chất lượng, Hội Nông dân đã tư vấn, hỗ trợ thành lập HTX chuyên ngành, hoạt động hiệu quả như: HTX trồng và chế biến nấm, HTX chăn nuôi Minh Tân, HTX chăn nuôi Thành Long, mới đây, đã thành lập HTX khai thác hải sản xa bờ tại huyện Kim Sơn với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
Đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Việc liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể là một xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Thông qua việc vận động thành lập, duy trì hoạt động các Tổ hợp tác, HTX đã góp phần giúp hội viên nông dân nâng cao năng suất cây trồng, con nuôi và chất lượng dịch vụ, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội nông dân, nhất là ở cấp cơ sở...
Thùy phương