Mô hình "Camera an ninh đã được cấp ủy, chính quyền phường Đông Thành chỉ đạo nhân rộng, đây là giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT. Nằm ở khu trung tâm của thành phố Ninh Bình, phường Đông Thành có diện tích 1,81km2, gồm 12 tổ dân phố với 2,875 hộ dân, 10.900 khẩu, 74 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và 4 trường học. Là địa bàn giáp ranh với huyện ý Yên (Nam Định), lại là khu vực tập trung cần được bảo vệ tuyệt đối an toàn như trụ sở Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh...
Ngoài ra, tại địa bàn phường còn có nhiều nhà hàng, khách sạn và là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa, do vậy tình hình ANTT trên địa bàn phường luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, đòi hỏi các lực lượng chức năng và nhân dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Để đảm bảo an ninh trật tự, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường, Đảng ủy, UBND phường đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình "Camera an ninh" tại các tổ dân phố, lấy phố 3, phố 4 làm điểm. Có sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND phường, các chi bộ, tổ dân phố, các đoàn thể tích cực phối hợp với Công an phường làm tốt việc tuyên truyền, vận động cơ quan, doanh nghiệp, trường học, hộ dân lắp đặt camera tại trụ sở, trước gia đình, đồng thời ủng hộ kinh phí xây dựng hệ thống giám sát chung theo hướng xã hội hóa.
UBND phường thành lập Ban vận động kinh phí, phối hợp với cán bộ của các tổ dân phố đi tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp và các hộ gia đình ủng hộ kinh phí mở rộng lắp đặt hệ thống camera an ninh. Chỉ trong thời gian ngắn, Ban vận động đã vận động được 3 cơ quan, 18 doanh nghiệp, 41 hộ dân ủng hộ được hơn 300 triệu đồng lắp đặt 38 mắt camera tại 32 điểm trên 5 tuyến đường chính của phường.
Bên cạnh việc lắp đặt các mắt camera trên các tuyến đường, khu vực trọng điểm, UBND phường còn vận động các cơ quan, doanh nghiệp, hộ dân tự lắp camera giám sát hướng ra đường để tăng độ bao phủ của hệ thống camera hiện có trên địa bàn, phục vụ cho công tác điều tra, xử lý các vụ việc khi cần thiết.
Để mô hình "camera an ninh" đi vào hoạt động hiệu quả, phường đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, quản lý mô hình "camera an ninh", ban hành quy chế quản lý, sử dụng và giao cho Công an phường là đơn vị quản lý, vận hành camera giám sát an ninh, xử lý thông tin và thông báo tới các tổ dân phố. UBND phường trích một phần kinh phí để chi trả tiền điện duy trì hoạt động của các camera an ninh trên các tuyến đường. Hệ thống camera bên trong các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình không ngừng được bổ sung.
Hiện nay, ngoài số camera do phường khảo sát, lắp đặt trên các tuyến đường, còn có gần 200 hộ gia đình trên địa bàn phường đã lắp hệ thống camera an ninh. Toàn bộ dữ liệu từ hệ thống camera công cộng đều được kết nối về Công an phường để theo dõi, xử lý.
Thông qua hệ thống camera, Công an phường đã chủ động hơn trong công tác nắm tình hình; quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ, toàn diện tình hình 24/24h. Từ đó, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm. Thời gian qua, nhờ có hệ thống camera giám sát, công an phường đã nhắc nhở kịp thời cho 200 lượt cơ quan, doanh nghiệp, cửa hàng và hộ gia đình có sơ hở trong bảo vệ tài sản. Phát hiện ngăn chặn nhiều đối tượng có biểu hiện nghi vấn lai vãng đến địa bàn vào ban đêm, buổi trưa.
Cũng nhờ có hệ thống camera giám sát, Công an phường đã kịp thời giải tán nhiều nhóm đối tượng thanh niên tụ tập, gây mất trật tự công cộng, đòi nợ thuê. Thông qua trích xuất camera an ninh đã hỗ trợ lực lượng công an làm rõ 15 vụ tai nạn giao thông; chủ động phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội.
Từ khi các camera được lắp đặt trên đường và các khu vực trọng điểm và trong khu dân cư, người dân không còn lo sợ trộm cắp về ban đêm. ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người dân được nâng cao, tình trạng thanh, thiếu niên chở 3 người, không đội mũ bảo hiểm giảm. ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác của người dân được nâng cao. Người dân chủ động hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, để xe đúng nơi quy định, tạo cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp.
Trần Dũng