Nhằm tưởng nhớ và kỷ niệm ngày sinh của Frederick Banting - người phát hiện ra Insulin (hormone chuyển hóa đường) năm 1921, ngày 20/12/2006, Đại hội đồng Liên Hợp quốc ra Nghị quyết số 61/225 kêu gọi các quốc gia lấy ngày 14/11 hàng năm là "ngày đái tháo đường thế giới" nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về hiểm họa của bệnh đái tháo đường.
Từ đó đến nay, cộng đồng quốc tế lại có dịp nhắc nhở lại những cam kết phòng, chống bệnh ĐTĐ, nhiều quốc gia có chương trình phòng, chống bệnh ĐTĐ với những mục tiêu cụ thể. Ngày ĐTĐ thế giới là cơ hội để huy động cộng đồng tạo ra tiếng nói mạnh mẽ trong nhận thức về bệnh ĐTĐ; để cộng đồng quan tâm hơn nữa và đưa ra những hành động cần thiết để kiểm soát dịch bệnh thế kỷ, căn bệnh mà ngày nay đã ảnh hưởng tới 382 triệu người trên toàn thế giới.
Ngày thế giới phòng chống ĐTĐ năm nay, Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp hiệu quả, đơn giản, chi phí thấp trong can thiệp dự phòng bệnh ĐTĐ như việc thực hiện bữa ăn sáng lành mạnh- khoa học. Hơn 70% trường hợp mắc bệnh ĐTĐ týp 2 có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn bằng cách áp dụng lối sống lành mạnh. Thế giới sẽ tiết kiệm hàng tỷ đô la sức lao động và chi phí y tế, sẽ giảm bớt gánh nặng toàn cầu nếu can thiệp, dự phòng ngay bệnh ĐTĐ. Các quốc gia có thể tiết kiệm đến 11% tổng chi phí y tế nếu thực hiện các chiến dịch, đơn giản là thay đổi ngay các bữa ăn không lành mạnh. Bắt đầu ngay hôm nay - ngày ĐTĐ thế giới bằng cách chia sẻ thông tin đến tất cả mọi người về vai trò, tầm quan trọng của "bữa ăn sáng khoa học" để ngăn chặn căn bệnh ĐTĐ.
Tại buổi lễ, PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa đã phát động lễ kỷ niệm Ngày Đái tháo đường thế giới tại Ninh Bình; các đại biểu và cán bộ, viên chức của Viện và của thành phố Ninh Bình, bệnh nhân, học sinh tham gia diễu hành quanh Bệnh viện đa khoa tỉnh nhằm thay đổi lối sống phòng chống ĐTĐ.
• Cùng ngày, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa thuộc Trường Đại học Y khoa Hà Nội đã tổ chức tổng kết Dự án "Nghiên cứu can thiệp lối sống dựa vào cộng đồng để phòng, chống bệnh đái tháo đường týp 2 tại Ninh Bình" (Dự án D-START) của Liên đoàn đái tháo đường quốc tế (IDF) tài trợ. Dự hội nghị có PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa; đại diện lãnh đạo Sở Y tế, đại diện các phường, xã được chọn làm điểm nhấn thực hiện Dự án của thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và Hội người bệnh đái tháo đường tỉnh.Dự án D-START được triển khai tại tỉnh ta từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2014 do PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa làm chủ nhiệm Dự án. Với mục tiêu nhằm xây dựng mô hình, đánh giá hiệu quả, tính bền vững của mô hình và các kỹ thuật can thiệp lối sống cộng đồng phòng chống bệnh ĐTĐ týp 2. Sau 3 năm triển khai Dự án, đến nay Dự án đã tác động vào cộng đồng khoảng 70.000 người tại tỉnh Ninh Bình; 45.000 phiếu phát hiện người có yếu tố nguy cơ + tờ rơi tuyên truyền về bệnh ĐTĐ được phát cho cộng đồng; 7.192 người có yếu tố nguy cơ được khám sàng lọc bệnh ĐTĐ; 482 người được phát hiện mắc mới bệnh ĐTĐ thông qua sàng lọc; 369 người được phát hiện mắc bệnh ĐTĐ ở giai đoạn sớm nhất thông qua quản lý từ giai đoạn tiền ĐTĐ và được sàng lọc hàng năm; 851 người bệnh được Dự án phát hiện; 2.172 người tiền ĐTĐ được phát hiện, tư vấn và dự phòng bệnh ĐTĐ; 53% số người mắc mới ĐTĐ giảm khi so sánh giữa nhóm can thiệp và nhóm chứng; 10 phòng khám tư vấn được thành lập và trang bị cơ sở vật chất; 18 trạm y tế có cán bộ y tế trạm, y tế thôn được đào tạo về bệnh ĐTĐ… Sự thành công của Dự án sẽ là cơ sở để Liên đoàn đái tháo đường quốc tế khuyến cáo áp dụng sang các quốc gia có đặc điểm kinh tế tương đồng.
Tại hội nghị, Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa đã cấp giấy chứng nhận cho 8 tập thể, 20 cá nhân đã xuất sắc nhiệm vụ góp phần tích cực cho thành công Dự án 3 năm qua tại Ninh Bình. Đồng thời Viện tặng thuốc Insulin cho bệnh nhân ĐTĐ tỉnh.
Hồng Vân