Cảm nhận đầu tiên và khái quát nhất, đậm nét nhất đó là: 25 năm qua là thời kỳ đổi mới và phát triển nhanh nhất, mạnh nhất, ấn tượng nhất về mọi mặt của tỉnh nhà từ trước tới nay. Không có thời kỳ nào trước đây có sự đổi mới, phát triển nhanh, mạnh và toàn diện như vậy. Điều này thì ai cũng có thể cảm nhận được vì đây là sự thật hiện hữu. Từ chỗ nền kinh tế ở điểm xuất phát thấp, là một tỉnh nghèo, thuần nông, công nghiệp nhỏ bé, manh mún, phân tán, lạc hậu, hiệu quả thấp (như nhận định của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII sau khi tỉnh nhà tái lập). Năm 1992, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản trong cơ cấu GDP chiếm tới 62,9%, năm 2016 giảm xuống còn 14,65% (trong khi giá trị sản xuất vẫn tăng 15,8 lần). Tỷ trọng sản xuất công nghiệp từ 15% đã tăng lên 43%. Dịch vụ từ trên 21% lên 42,35%. Năm 2016, tổng giá trị GRDP gấp 52,2 lần so với năm 1992; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng gấp 20,4 lần; dịch vụ gấp 9,3 lần. Thu ngân sách trên địa bàn năm 1992 chỉ có 40 tỷ đồng. Năm 2016 thu 7.264 tỷ đồng, gấp 182,5 lần. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 1.020 triệu USD, tăng gấp 408 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Đây là những chỉ tiêu chất lượng tổng hợp nhất, ấn tượng nhất, phản ảnh tổng quát nhất sự phát triển của nền kinh tế tỉnh nhà trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu đúng hướng và tăng trưởng tích cực mà nổi bật là đã hình thành các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, doanh nhân, đội ngũ công nhân ngày càng đông đảo ở khắp các vùng trong tỉnh, bước đầu hiện hữu về một nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang được tái cơ cấu gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà. Quần thể danh thắng núi đá, hang động Tràng An đã trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Nông nghiệp cũng đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới… Đời sống nhân dân được nâng lên về mọi mặt. Có những thứ cách đây 25 năm chưa dám nghĩ tới thì nay đã trở thành hiện thực phổ biến trong cuộc sống hàng ngày cả ở thành thị và nông thôn, miền núi, miền ven biển, nâng cao mức sống, chất lượng sống của nhân dân cả về vật chất, văn hóa và tinh thần. Cùng với cả nước đây là thành tựu rất quan trọng và to lớn không phải chỉ là do tái lập tỉnh mà cơ bản là thành tựu của công cuộc đổi mới. Nhưng tái lập tỉnh đã tạo nên khí thế mới, tình cảm mới, động lực mới, quyết tâm mới, với quy mô tỉnh vừa phải, tỉnh có điều kiện gần cơ sở, sát dân hơn và có những điều kiện mới để khai thác, phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng, những tiềm năng, thế mạnh, nội lực thúc đẩy sự đổi mới và phát triển của tỉnh nhà, nhất là trong những năm đầu sau tái lập. Đặc biệt, từ một thị xã nhỏ bé, đặc trưng nổi bật một thời là những lò vôi đốt bằng than qua lửa, mang tiếng là "thị xã 4b" (bụi, bẩn, buồn, bực), đường phố không có vỉa hè, nhiều phố không có số nhà, phần lớn còn là nhà cấp 4, không có điện thắp sáng, không có đủ nước máy… Nếu như không tái lập tỉnh, không trở thành trung tâm tỉnh lỵ thì chắc chắn thành phố Ninh Bình không thể có sự đổi mới và phát triển cả về quy mô và tốc độ, cả về chiều rộng và chiều cao, không thể có tầm vóc, vị thế và diện mạo như ngày nay. Đó là điều chắc chắn.
Càng phấn khởi trước những đổi mới và phát triển của tỉnh nhà trong 25 năm qua bao nhiêu, chúng ta cũng rất vui mừng trước sự đổi mới và phát triển của 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam anh em bấy nhiêu. Chúng ta cũng không thể không nhớ tới những tình cảm tốt đẹp, quý báu, cùng nhau khắc phục khó khăn, chia ngọt sẻ bùi của cán bộ, nhân dân Nam Định, Hà Nam với chúng ta trong 16 năm hợp tỉnh.
Cảm nhận thứ 2 là về đội ngũ cán bộ. Sau 16 năm hợp tỉnh, khi tái lập tỉnh Ninh Bình, đội ngũ cán bộ phải bố trí, sắp xếp lại từ đầu, vừa thiếu, vừa yếu, vừa không đồng bộ. Trong số cán bộ từ Hà Nam Ninh chuyển về chỉ có 1 Phó Bí thư Tỉnh ủy, 2 ủy viên thường vụ, 6 tỉnh ủy viên, 1 phó chủ tịch UBND, 1 phó chủ tịch HĐND, 8 trưởng và 19 phó ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Nhiều cơ quan không có cán bộ lãnh đạo và không có cả cán bộ, nhân viên. Các cơ quan của Tỉnh ủy chỉ đủ 35% biên chế. Sau khi tái lập chỉ trong thời gian ngắn đã kiện toàn bí thư, 2 phó bí thư, 11 ủy viên thường vụ, 36 tỉnh ủy viên, chủ tịch, 3 phó chủ tịch UBND, 34 trưởng, 45 phó các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, 5 bí thư, 6 phó bí thư thường trực và 5 chủ tịch UBND các huyện, thị xã (do phải điều động cán bộ từ các huyện, thị xã lên tỉnh).
Thế rồi qua 25 năm kiện toàn, bổ sung, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đến nay đội ngũ cán bộ của tỉnh đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng (tuy có thể cũng còn mặt này, mặt khác cần quan tâm) nhưng nói chung cơ bản đảm bảo thực hiện tốt các mặt hoạt động. Có thể khẳng định rằng nếu như không có tái lập tỉnh thì chắc chắn không có đội ngũ cán bộ như hôm nay, và do đó chắc chắn nhiều người đã chưa hoặc không có điều kiện gánh vác những trọng trách và trách nhiệm như đã và đang đảm nhiệm. đó là điều chắc chắn. Đây vừa là kết quả, là sản phẩm của tái lập tỉnh, vừa là nguyên nhân của những thành quả trong 25 năm tỉnh nhà tái lập. Không có tái lập tỉnh thì không có đội ngũ cán bộ như ngày nay và ngược lại không có đội ngũ cán bộ như ngày nay (cả đương chức và đã nghỉ hưu) thì cũng không có những thành quả đã đạt được trong 25 năm qua dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và bằng trí tuệ, công sức của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
Kỷ niệm chính là để "ôn cố tri tân". "Vạn sự khởi đầu nan". Không thể không nói về những ngày đầu tái lập tỉnh. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nhất là về tư tưởng, khí thế cách mạng, tinh thần phấn khởi từ động lực tái lập tỉnh và cơ hội để đổi mới và phát triển thì cũng hết sức khó khăn về mọi mặt. Cán bộ thiếu, trụ sở các cơ quan tạm bợ, một thời gian khá dài ở nhờ tại các nhà tạm của thị xã Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Kinh phí hạn hẹp, ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản chỉ có 5,7 tỷ đồng, không đủ để sửa sang, quét vôi ve tường nhà tạm ở các cơ quan của tỉnh. Phương tiện thiếu thốn, thô sơ. Tài sản, phương tiện ở nhiều cơ quan chỉ có mỗi 1 chiếc điện thoại quay tay. Nhiều cơ quan thậm chí cũng chưa có máy điện thoại, máy đánh chữ. Cán bộ và gia đình từ Nam Định chuyển về cũng ở nhờ các nhà tạm chứ chưa có nhà ở như hiện nay. Nhưng với động lực mới và trách nhiệm trước đảng bộ, nhân dân trong tỉnh; với tâm nguyện "Ninh Bình ơi con đã về đây, cùng nhau chung sức dựng xây Ninh Bình", những người được giao trách nhiệm lúc ấy đã hết sức cố gắng, háo hức, hồ hởi, hăng hái chung sức, chung lòng, đoàn kết xây dựng quê hương. Mọi cán bộ đều nghiêm túc chấp hành sự bố trí, phân công của tổ chức, không thấy có chạy chọt, kèn cựa, né tránh, thắc mắc, dựa dẫm, ỉ lại, tranh chức, tranh quyền. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, các cơ quan phải vận chuyển từ Nam Định về nhưng không xảy ra trường hợp nào lợi dụng tham nhũng, lãng phí tài sản, công quỹ mặc dù đời sống mọi người lúc ấy còn rất khó khăn, thiếu thốn hơn rất nhiều so với hiện nay. Ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII sau tái lập tỉnh, các định hướng chủ yếu được xác định về cơ bản phù hợp với điều kiện của tỉnh nhà và là tiền đề để bổ sung, phát triển trong các Đại hội Đảng bộ tỉnh từ đó đến nay.
Tuy nhiên, do các yếu tố lịch sử, khách quan và chủ quan, do năng lực và tầm nhìn có hạn cũng có thể còn có những việc cần làm nhưng chưa làm được hoặc lẽ ra có thể làm tốt hơn, đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển, nhất là về công tác tổ chức, cán bộ, về quy hoạch xây dựng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều so với những năm đầu tái lập tỉnh. Bên cạnh những thành tựu to lớn về mọi mặt đã đạt được, tỉnh nhà vẫn còn nhiều tiềm năng, nguồn lực, dư địa, lợi thế, nội lực để tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh hơn, mạnh hơn về mọi mặt. Phát huy những kết quả đã đạt được trong 25 năm tái lập, tin rằng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà tập trung sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng, thực hiện Nghị quyết T.Ư4 gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vì đây chính là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ, thành quả của cách mạng, độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Khó thật. Nhưng như các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương thường nhấn mạnh là nói phải đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cấp trên nêu gương cho cấp dưới, cấp dưới nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của cấp trên, dân chủ đi đôi với kỷ cương, cán bộ, đảng viên nêu gương trước quần chúng, trọng dân, phát huy sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị thì tin rằng dù khó mấy cũng làm được.
Nguyễn Thanh Túc
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy