Đối với những lão thành cách mạng đã từng trực tiếp tham gia giành chính quyền tại xã Lạng Phong (Nho Quan) thì màu cờ tháng Tám năm 1945 là những ký ức không thể phai mờ bởi đây là một trong những nơi đầu tiên giành chính quyền, nơi phong trào kháng Nhật phát triển mạnh mẽ. Mặc dù chính quyền cách mạng mới thành lập còn non trẻ, nhưng dưới chế độ mới, người dân ai cũng hồ hởi, phấn khởi, sôi sục tinh thần cách mạng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách.
Sự kiện ngày 10-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự và chủ trì hội nghị điền chủ ở Lạng Phong như tiếp thêm sức mạnh cho chính quyền cách mạng còn non trẻ ở đây. Khi đó, Người đã căn dặn đồng bào đoàn kết để diệt giặc đói, giặc dốt, để đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn được phát động rộng rãi và đạt hiệu quả cao, góp phần củng cố chính quyền cách mạng mới.
Trở lại Lạng Phong trong những ngày mùa thu lịch sử này, điều chúng tôi ghi nhận được là nơi đây cái đói, cái nghèo đã được đẩy lùi thay vào đó là một diện mạo nông thôn mới với hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, kiên cố. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã và đang nỗ lực hết mình để xứng đáng với truyền thống cách mạng của một vùng quê anh hùng đã vinh dự được đón Bác Hồ.
Khắc ghi lời Người, trong những năm qua, hoạt động của chính quyền nơi đây luôn được phát huy bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân trong mọi công việc, bộ máy công chức ngày càng được kiện toàn, đáp ứng yêu của tình hình mới. UBND xã thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, giảm bớt thủ tục hành chính theo quy định, công khai dân chủ, tránh phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết các công việc cho công dân và tổ chức.
UBND xã đã tập trung xây dựng kế hoạch, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân. Công tác xóa đói, giảm nghèo được tập trung chỉ đạo thực hiện. Nhiều chương trình, dự án giảm nghèo được thực hiện, giải ngân thông qua các tổ chức đoàn thể như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội CCB. Từ nguồn vốn vay xóa đói, giảm nghèo, một số hộ đã xóa được nghèo, làm ăn có hiệu quả.
Các cuộc vận động vì người nghèo với tinh thần "Lá lành đùm lá rách" đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đời sống nhân dân nơi đây đã được cải thiện nhiều mặt, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt trên 40 triệu đồng. Lạng Phong đã có 6,5 km đường liên thôn được cứng hóa, Trường Tiểu học xã đạt chuẩn Quốc gia, 21 phòng học được xây dựng kiên cố. Toàn xã có 8/10 thôn có nhà văn hóa, xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
Mùa thu năm 1945, cùng với nhân dân trong toàn huyện, toàn tỉnh, người dân Phát Diệm (Kim Sơn) đã nêu cao tinh thần cách mạng, đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Là một địa phương có đông đồng bào theo đạo nhưng nhân dân thị trấn Phát Diệm đã đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần cách mạng, góp phần làm nên một mùa thu lịch sử. Vinh dự lớn đối với chính quyền và nhân dân Phát Diệm khi được Bác Hồ về thăm vào ngày 13-1-1946. Về thăm Phát Diệm vào thời điểm chưa đầy 1 năm sau khi cách mạng thành công, chính quyền non trẻ mới thành lập, Người đã nhắc nhở đồng bào "Kính Chúa phải yêu nước. Nước không được độc lập thì tôn giáo không được tự do nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã". Lời dạy bảo của Hồ Chủ tịch có ý nghĩa rất to lớn, thiết thực đối với từng người, từng gia đình trong công cuộc bảo vệ và xây dựng nền độc lập của nước nhà. Từ các phong trào "Kính chúa yêu nước", "Sống tốt đời, đẹp đạo" đến phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", MTTQ thị trấn đã làm nòng cốt trong việc đoàn kết, tập hợp người dân lương cũng như giáo cùng hưởng ứng thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Trong đó, bắt đầu từ ý thức, trách nhiệm của mỗi gia đình, cá nhân và cộng đồng trong xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...
UBND thị trấn cũng đã chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, quan tâm đến công tác tôn giáo, dân tộc, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Đến nay, trên địa bàn thị trấn đã có nhiều công trình "Nhà nước và nhân dân cùng làm" như: Hơn 90% đường giao thông đã được bê tông hóa, 4/8 phố xây dựng được nhà văn hóa, trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, bình quân thu nhập đầu người đạt 7,5 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,2%...
Về lại những mảnh đất lịch sử nơi Bác Hồ đã về thăm, chúng tôi thấy màu cờ tháng Tám của mùa thu năm 1945 khi nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền như còn thắm mãi. Màu cờ ấy, truyền thống cách mạng hào hùng ấy là động lực để nhân dân Lạng Phong, Phát Diệm đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.
Quỳnh Thu