Vậy là kẻ lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị đã lộ diện, hy vọng sẽ lấy lại được tiền. Thế nhưng chị Hoa cũng tự trách mình cả tin nên mới bị lừa. Đầu năm 2005, một lần Duy đến nhà chị, nói có khả năng "chạy" cho chồng chị được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và cả chế độ cho cô con gái bị tật nguyền. Hắn khoác lác không có việc gì khó, chỉ cần 3,8 triệu đồng gia đình sẽ được toại nguyện cả hai việc. Mấy năm trôi qua, cứ mỗi lần chị đến hỏi, Duy đều tìm cách lảng tránh và khuyên chị phải chờ. Giờ thì mọi việc đã rõ, Trịnh Đình Duy không phải là cán bộ chính sách của Ban CHQS huyện như hắn tự giới thiệu. Ngay sáng hôm sau, chị Hoa đến Công an huyện Yên Khánh trình báo lại sự việc. Khi đến cơ quan Công an, chị Hoa được biết, trước chị nhiều người cũng bị Duy lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cuối năm 2005, Trịnh Đình Duy tìm đến nhà chị Hạnh ở thị trấn Yên Ninh khoe có một suất du học ở Pháp và muốn "ưu tiên" cho con chị là cháu Mai Hồng Hà đi đợt này. Để tạo niềm tin, Duy không chịu nhận tiền đặt cọc trước mà còn đưa cháu Hà ra Nam Định học tiếng 3 tháng rồi sau đó yêu cầu gia đình đưa 30 triệu đồng để lo thủ tục, sau nhiều lần tạm ứng số tiền đã tới 63 triệu đồng, trong đó có cả 5 triệu đồng để lo chuyển chế độ bảo hiểm xã hội cho chồng chị về Công ty Bê tông thép Ninh Bình. Qua gần 4 năm chờ đợi, chị Hạnh đã nhiều lần đòi Duy trả lại tiền vì không đủ kiên nhẫn nhưng anh ta vẫn hứa hẹn sẽ lo được. Liên tục bị chị Hạnh thúc giục, Duy buộc phải trả lại 29,5 triệu đồng và các tờ biên lai thu tiền của lớp học không có dấu.
Cũng với thủ đoạn trên, tháng 6-2007, Trịnh Đình Duy gạ gẫm, hứa hẹn với chị Phạm Thị May ở xã Khánh Thiện lo chạy cho cháu Đỗ Văn Quyết được hưởng chế độ chất độc da cam và cam kết lo cả chế độ cho chị May và chồng chị. Mặc dù biết hoàn cảnh gia đình chị May rất khó khăn (chồng chết, một đứa con bị tật nguyền) nhưng Duy vẫn đòi 2,5 triệu đồng ứng trước, khi nào mọi việc xong xuôi sẽ nhận thêm. Thế nhưng yêu cầu của chị May thì không thể nào thực hiện được.
Nguyên nhân dẫn đến hành vi lừa đảo của Duy thật đơn giản. Năm 1994, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Duy lấy vợ và nhanh chóng có 3 con. Mặc dù vậy cuộc sống cũng không đến mức quá khó khăn, song do bản tính lười lao động, thích ăn chơi nên Duy nảy ý định đi lừa đảo để kiếm tiền tiêu xài. Biết nhiều người đang có nhu cầu việc làm, giải quyết chế độ, chính sách xã hội, Duy nghĩ ra các chiêu lừa đảo bằng cách mạo danh lúc thì là cán bộ của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện huyện Yên Khánh, khi lại là cán bộ của Ban CHQS huyện, Bộ CHQS tỉnh, có khả năng chạy làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm xã hội hoặc xin vào các cơ quan, đơn vị, trường học, đi lao động xuất khẩu...
Trước "bánh vẽ" của Duy, nhiều người đã tin, tự nguyện đưa tiền cho hắn để hy vọng đạt mục đích. Chỉ tính từ cuối năm 2005 đến khi bị bắt, Duy đã lừa đảo nhiều người ở các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Nho Quan và thành phố Ninh Bình, chiếm đoạt gần 200 triệu đồng.
Hành vi của Trịnh Đình Duy đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân. Hiện nay vụ án đang được Công an huyện Yên Khánh tập trung lực lượng, biện pháp điều tra mở rộng. Tác hại do hành vi của Duy gây ra không chỉ là vật chất mà do Duy mạo nhận cán bộ của các cơ quan Nhà nước, nhiều người nghi ngờ và nghĩ xấu về cán bộ, công chức và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.
Vũ Văn Công
(Công an NB)