Là lò mổ quy mô nhỏ của hộ gia đình, song cơ sở vật chất tại đây được quy hoạch và xây dựng khá bài bản. Khu nuôi nhốt được xây dựng riêng biệt với khu giết mổ và khu vệ sinh. Hơn 3 giờ sáng là thời điểm vợ chồng anh Thắng thức dậy.
Như một thói quen, mỗi người mỗi việc, luôn chân luôn tay chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cho công việc giết mổ. Trong khoảng thời gian hơn 1 tiếng đồng hồ, việc giết mổ đã được hoàn tất. Những thành phẩm là từng mảng thịt vai, thịt ba chỉ, sườn, lòng... được sắp xếp vào các thùng xốp.
Đích thân vợ anh Thắng - chị Phạm Thị Chính là người vận chuyển lên thành phố Ninh Bình, nơi mà chị có một sạp hàng nhỏ tại phường Phúc Thành để bày bán sản phẩm thịt lợn.
Khi "cơn bão" thực phẩm bẩn càn quét khắp từ thành thị đến nông thôn đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng, mà trong đó, mặt hàng thịt lợn bị đặt dấu hỏi lớn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vợ chồng anh Thắng gặp nỗi băn khoăn lớn vì thật khó để chứng minh độ an toàn, hợp vệ sinh của những sản phẩm thịt lợn do chính tay giết mổ.
Năm 2016, Hội nông dân tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn giai đoạn 2016-2020" và tổ chức hội nghị ký cam kết triển khai Đề án đến các cấp Hội trong tỉnh.
Khi được đề xuất, vợ chồng anh Thắng hưởng ứng mạnh mẽ và nhất quyết ký tên vào bản cam kết. Đó như là lời khẳng định và đảm bảo về quy trình giết mổ, chất lượng sản phẩm thịt lợn an toàn, hợp vệ sinh... mà Hội nông dân tỉnh sẽ là đơn vị giám sát việc thực hiện các điều khoản đã cam kết.
Giải thích rõ hơn cho chúng tôi về quy trình giết mổ cũng như độ an toàn của sản phẩm thịt lợn, anh Thắng chia sẻ: Chúng tôi chú trọng ngay từ việc chọn nguồn hàng, phải lựa chọn thật cẩn thận và kỹ lưỡng.
Lợn mua về phải có sức khỏe tốt, không có dấu hiệu ốm bệnh. Nguồn hàng cung cấp chủ yếu từ các hộ gia đình trong xã, mỗi lần anh chị nhập về từ 5-6 con, thả vào khu nuôi nhốt, cho ăn và chăm sóc đầy đủ cho đến khi giết mổ.
Là người địa phương nên khá tường tận về việc chăn nuôi lợn tại các hộ gia đình, anh Thắng cho biết, đa phần các hộ chăn nuôi tại xã Xuân Thiện đều nuôi lợn theo kiểu truyền thống như ông bà ngày xưa.
Các hộ đều tận dụng bã rượu tự nấu đem trộn với cám để làm thức ăn chăn nuôi chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào cám công nghiệp. Cũng nhờ vậy mà thịt lợn ở đây thường có tỷ lệ mỡ vừa phải, thịt thơm và ngon.
Trong quy trình giết mổ, các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được tuân thủ chặt chẽ. Các dụng cụ được khử trùng sau mỗi lần giết mổ, bảo quản cẩn thận và tuyệt đối không sử dụng cho việc khác. Người trực tiếp giết mổ phải đi ủng, đeo găng tay. Lợn được mổ trên các bệ bê-tông sạch, khi xẻ ra các phần được để ngay ngắn trên bàn rồi xếp vào thùng xốp để mang đi tiêu thụ ngay. Khu vực giết mổ được vệ sinh sạch sẽ ngay khi công đoạn cuối cùng được hoàn tất.
Hơn 5 năm cung cấp thịt lợn cho khách hàng tại thành phố Ninh Bình, thịt lợn mang "thương hiệu" của vợ chồng anh Thắng đã chinh phục nhiều khách hàng khó tính. Anh Thắng khoe với chúng tôi là có 6 nhà hàng lớn thường xuyên đặt hàng sản phẩm thịt lợn của anh chị, số còn lại được vợ anh mang bày bán tại khu chợ phường Phúc Thành, nhưng cũng chỉ một lúc là đã tiêu thụ hết.
Thường thường, khi xuất phát mang thịt lợn đi tiêu thụ từ 4 giờ sáng thì ngay 10 giờ sáng hôm đó, vợ anh đã trở về nhà với chiếc thùng xốp trống không. Chia sẻ thêm về tiêu chí sản phẩm thịt lợn, vợ chồng anh Thắng đều tâm đắc rằng: Ngon, sạch và đảm bảo chất lượng luôn là ưu tiên hàng đầu.
Thái Học