Mỗi mùa Xuân đến luôn đem lại niềm vui, sự may mắn và ước mong về những điều tốt đẹp, khỏe mạnh trong cuộc sống. Trong khi nhiều người, nhiều gia đình háo hức chờ đón ngày Tết để được sum họp, thì còn một bộ phận người bệnh mang trong mình những căn bệnh mãn tính, nan y, từng ngày phải chống chọi với bệnh tật để duy trì cuộc sống. Họ chờ mong một cái Tết đoàn viên, đầm ấm, khỏe mạnh nhưng dường như không dễ. Lúc này, sự động viên, chia sẻ của cộng đồng rất có ý nghĩa, giúp mỗi người bệnh thêm nghị lực tiếp tục hành trình chiến đấu với bệnh tật.
Mang Tết đến với bệnh nhân nghèo
Chăm chồng mắc bệnh tâm thần kèm theo một số bệnh khác đã 5 năm nay, chị Nguyễn Thị Hạnh, vợ bệnh nhân Đinh Duy Nghị, xã Gia Phú (huyện Gia Viễn), hiện đang điều trị tại khoa Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh không khỏi lo lắng. Bởi vì khi Tết Nguyên đán sắp đến, nhưng việc chồng có được về ăn Tết cùng gia đình hay không lại phụ thuộc phần lớn vào tình hình sức khỏe và bệnh tình hiện tại của chồng.
Chị Hạnh cho biết, chồng chị năm nay mới 40 tuổi nhưng đã có 5 năm bị bệnh tâm thần, suy nghĩ hoang tưởng, kèm theo mắc các bệnh viêm tụy, tiểu đường, nên sức khỏe rất yếu, hầu như không làm được việc gì. Anh ở viện nhiều hơn ở nhà, mỗi đợt điều trị vài tháng trời, về nhà được dăm bữa, nửa tháng lại phải nhập viện. Tết năm ngoái, anh cũng được bệnh viện tạo điều kiện cho về gia đình sum họp với vợ con, nhưng ngay mùng 2 Tết phải cho nhập viện trở lại vì các triệu chứng bệnh nặng, không đảm bảo an toàn cho bản thân và cả người nhà.
"Bệnh tâm thần điều trị rất khó và kéo dài. Cuộc sống dù khó khăn, nhiều khi mệt mỏi và chán nản, nhưng chúng tôi không đơn độc. Bệnh viện tạo điều kiện hết mức, các y, bác sĩ rất tâm lý, luôn động viên, khuyến khích gia đình đồng hành cùng bệnh nhân trong quá trình điều trị. Những ngày Tết, nếu phải ở lại bệnh viện cũng khá đầy đủ các thứ như: cành đào, hoa tươi, bánh chưng, kẹo mứt, giò chả... Hiện sắp đến Tết, nhưng chồng tôi và các bệnh nhân ở đây đã được nhiều đoàn thiện nguyện đến thăm hỏi, tặng quà, tặng phong bao lì xì...., động viên bệnh nhân và gia đình. Chúng tôi rất xúc động và cảm ơn, nhận thấy mình không đơn độc trong cuộc sống..." - chị Hạnh chia sẻ.
Bác sĩ Trần Đức Thuận, Trưởng khoa Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Tại khoa Nam đang có 50 bệnh nhân điều trị nội trú. Đây hầu hết là bệnh nhân mắc bệnh tâm thần mạn tính, với nhiều dạng bệnh như loạn thần nội sinh, tâm thần phân liệt, rối loạn nghiện chất... Các bệnh nhân phải điều trị lâu dài nên hầu hết có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống chủ yếu từ nguồn trợ cấp xã hội và chữa bệnh bằng BHYT miễn phí.
Cùng với điều trị bệnh bằng liệu pháp y học, các y, bác sĩ tại đây phải kết hợp với điều trị tâm lý, động viên người bệnh hợp tác, tích cực, kiên trì, từ đó mới có thể giảm dần bệnh tật. Những ngày giáp Tết, chúng tôi kết hợp với các nhà hảo tâm tổ chức cắt tóc cho người bệnh, nhận các suất ăn từ thiện, phong bao lì xì..., động viên, chia sẻ với người bệnh.
Những phần quà Tết thông qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh gửi đến tay các bệnh nhân nghèo.
Là bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, có nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y, bệnh mãn tính nguy hiểm, cần điều trị lâu dài, tốn kém, trong đó rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lại mắc bệnh trọng.
Trước những hoàn cảnh đáng thương, cần sự động viên, chia sẻ, Phòng Điều dưỡng-Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ "kết nối tình yêu thương" bằng việc kêu gọi, huy động sự đóng góp, hỗ trợ của các nhóm từ thiện, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành chung tay hỗ trợ và san sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo. Với sự quan tâm, yêu thương đó đã giúp nhiều bệnh nhân giảm bớt gánh nặng về kinh tế, yên tâm điều trị bệnh.
Chị Trần Thị Th., 48 tuổi, xã Phú Lộc (huyện Nho Quan) là bệnh nhân chạy thận đã 5 năm nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Theo chị Th., từ khi bị bệnh, sức khỏe chị suy yếu đi nhiều, chị không làm được công việc nặng nhọc, chỉ quanh quẩn đi viện và làm vài việc lặt vặt trong gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập duy trì cuộc sống của cả gia đình trông chờ vào công việc lao động tự do của chồng. Gia đình chị Th. từ hộ trung bình rớt xuống hộ cận nghèo, nguy cơ rơi xuống hộ nghèo nếu bệnh tình của chị ngày càng nặng thêm.
Đối với bà Trần Thị H., xã Ninh Thắng (huyện Hoa Lư), bị ung thư phổi giai đoạn 1, hiện đang điều trị bằng phương pháp truyền hóa chất. Bà H. cho biết, có bệnh rất mệt mỏi, đau đớn, nhưng luôn được các y bác sĩ động viên, hướng dẫn về chế độ ăn, nghỉ, sinh hoạt nên cũng yên tâm chữa bệnh.
"Gần Tết, được nhận những phần quà Tết của nhà hảo tâm do cán bộ Bệnh viện chắp mối, tôi càng thêm trân trọng và biết ơn tình cảm của các y bác sĩ, vừa chữa bệnh vừa điều trị tâm lý, để chúng tôi được động viên, chia sẻ, thêm nghị lực vượt qua bệnh tật..." - bà H. xúc động cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Điều dưỡng-Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Tại các khoa ung bướu, tim mạch, chạy thận nhân tạo..., có khá nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, chỉ riêng tiền chữa trị lâu dài đã khiến các gia đình khánh kiệt, đặc biệt với những gia đình vùng nông thôn không có nguồn thu nhập ổn định. Chúng tôi hiểu, cảm thông và chia sẻ với những người bệnh, nên với vai trò là "cầu nối", đã vận động, quyên góp và tiếp nhận tài trợ từ các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, giúp bệnh nhân giảm bớt khó khăn khi đang điều trị tại bệnh viện.
Nhân dịp Tết Quý Mão 2023, tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh nặng, nan y..., cán bộ, nhân viên Phòng Điều dưỡng-Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã huy động được hàng trăm triệu đồng, với hàng trăm suất quà bằng tiền mặt và hiện vật, trao tận tay cho các đối tượng. Để những phần quà, là tình cảm của các tổ chức, cá nhân được trao đến tận tay đối tượng, nhân lên tinh thần nhân văn, nhân đạo, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, không để ai bị bỏ lại phía sau khi Tết đến, Xuân về.