Họ là những người con ưu tú của quê hương Ninh Bình. Tiền tuyến gọi, trong không khí sục sôi của những ngày đánh Mỹ, họ tình nguyện lên đường nhập ngũ, với khát vọng được cống hiến tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Vào bộ đội, được biên chế về Đoàn 125, tham gia Đoàn tàu không số, họ đã cùng đồng đội vượt biển, vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Họ đã góp phần làm nên những chiến công huyền thoại, những kỳ tích của đường Hồ Chí Minh trên biển. Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, gặp nhau khi mái đầu đã bạc, những người lính của Đoàn tàu không số năm xưa không khỏi bùi ngùi, xúc động. Ngày đó, Ninh Bình có khoảng 100 người con ưu tú tham gia làm nhiệm vụ ở Đoàn tàu không số. Ở nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau như thủy thủ, pháo thủ, thợ máy, y tá, báo vụ, quân nhu..., song những người con của vùng đất Cố đô lịch sử luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong số đó, có 2 người đã anh dũng hy sinh, nằm lại vùng biển đảo của Tổ quốc, đó là liệt sĩ Vũ Văn Lanh, quê ở xã Gia Vượng (Gia Viễn); Trần Ninh Lương, quê ở xã Yên Nhân (Yên Mô). Người hy sinh, người đã từ trần, người chuyển công tác và đang sinh sống ở khắp mọi miền quê của Tổ quốc, Ban liên lạc giờ chỉ tập hợp được 44 đồng chí cùng tham gia Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trong niềm vui hội ngộ, các CCB cùng nhau ôn lại ký ức một thời tham gia tàu không số. Có những câu chuyện thật cảm động về nghĩa tình đồng chí, đồng đội, về lòng quả cảm và đức hy sinh, xả thân vì Tổ quốc. CCB Bùi Tất Thông, Phạm Văn Vinh, Nguyễn Quang Mùi cùng quê Ninh Bình, được biên chế về Đoàn 125 và cùng được tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men vào Nam trên con tàu 42.
Cựu chiến binh Bùi Tất Thông nhớ lại: "Lúc đó tôi là y tá, anh Vinh là thợ máy, anh Mùi là thủy thủ. Tàu 42 có 16 cán bộ, chiến sĩ, hội ngộ từ nhiều miền quê của đất nước: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau..., do thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng và chính trị viên Nguyễn Ngọc Ẩn chỉ huy. Trong số 3 đồng chí quê Ninh Bình, tôi là người ở lại tàu 42 lâu nhất, mãi đến năm 1969 mới chuyển sang công tác khác. Trong quãng thời gian 6 năm, tôi đã cùng đồng đội vượt biển 6 chuyến, đưa hàng cập bến thành công. CCB Hà Văn Bằng quê ở xã Khánh Cư (Yên Khánh) rưng rưng xúc động khi nhắc đến người anh hùng, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. Ông có 2 lần vinh dự được vượt biển cùng người thuyền trưởng thông minh, tài trí và dũng cảm này. Với ông, thuyền trưởng Phan Vinh mãi mãi là người anh, người đồng chí đã dìu dắt, giúp đỡ ông và nhiều đồng chí khác trưởng thành. Tinh thần quả cảm, đức hy sinh, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc của thuyền trưởng Phan Vinh mãi mãi là tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là bản anh hùng ca bất tử của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Bác Đinh Thanh Tâm, Trưởng Ban liên lạc Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Ninh Bình tâm sự: Ban liên lạc đã thành lập được 20 năm. Đến nay, Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Ninh Bình đã tập hợp được 44 hội viên. Hoạt động của Hội dần đi vào nền nếp, các hội viên tích cực giúp đỡ nhau trong cuộc sống, động viên nhau sống mẫu mực. Hội cũng tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp mặt nhân ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân, ngày truyền thống mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Trở về đời thường, các CCB của Đoàn tàu không số vẫn luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, của những chiến sĩ Đoàn tàu không số năm xưa.
Nhiều đồng chí đã được Đảng tin, dân mến, giới thiệu vào các chức danh chủ chốt công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, ban, ngành ở xã, huyện. Các đồng chí: Lê Văn Trụ ở xã Yên Lộc (Kim Sơn); Nguyễn Xuân Hạnh ở phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình); Trịnh Kim Quyền ở xã Ninh Thắng (Hoa Lư); Trần Minh Khang ở xã Gia Sinh (Gia Viễn) tham gia công tác Hội CCB, là những cán bộ tâm huyết, nhiệt tình. Nhiều CCB khác đã vượt lên làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc của mình như hội viên Đặng Văn Thâm ở xã Gia Thịnh (Gia Viễn) nhận thùng đào, thùng đấu lập trang trại, áp dụng KHKT trong chăn nuôi, kết quả mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Các hội viên Lương Hứa Lại ở thành phố Ninh Bình, Ngô Văn Thẹo ở Yên Mô cũng là những điển hình làm kinh tế giỏi.
Theo thống kê của Ban liên lạc, tới nay các gia đình CCB Đoàn tàu không số hầu hết đều có mức sống từ trung bình khá trở lên. Giờ đây, các CCB tàu không số hầu hết đã ở tuổi xưa nay hiếm, song họ vẫn là những đảng viên, hội viên gương mẫu, luôn sống mẫu mực, là tấm gương sáng cho con, cháu noi theo. Tuy nhiên, vẫn còn 5% hội viên do tuổi cao, sức yếu, ốm đau nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, đã có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân có các hoạt động nghĩa tình tri ân các CCB tàu không số, như Hội doanh nghiệp trẻ tặng 7 sổ tiết kiệm cho 7 CCB; Tỉnh Đoàn phối hợp với Ngân hàng Đầu tư - Phát trển Ninh Bình hỗ trợ 60 triệu đồng giúp CCB Phạm Văn Vinh ở xã Khánh Cường (Yên Khánh) xây nhà mới. Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân cũng tặng 4 suất quà cho 3 CCB và 1 gia đình liệt sĩ tàu không số. Sự quan tâm, sẻ chia đó thể hiện sự biết ơn, tri ân đối với những người đã góp phần làm nên những chiến công, kỳ tích của con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trong ngày gặp mặt, ôn lại ký ức hào hùng của một thời oanh liệt, các CCB càng thêm tự hào và nguyện mãi phát huy truyền thống anh hùng của chiến sĩ Đoàn tàu không số năm xưa, đóng góp tích cực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thu Thủy