Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai đề án nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung con những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan. Sau gần 1 năm hoạt động, đề án này đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Những mảnh đời chung một nỗi đau
Vừa rời ghế nhà trường, nữ sinh Nguyễn Thị Hoản, (ở thôn Xuân Sơn, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) xung phong vào chiến trường Quảng Trị đầy bom đạn, khói lửa sát cánh cùng đồng đội chiến đấu, mở đường. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chị trở về quê hương khi mới ngoài tuổi 20, chị khát khao có một gia đình nhỏ để yêu thương, chăm sóc. Nhưng rồi chị cũng hiểu, bản thân từng bị bom đạn, những cơn sốt rét rừng… hành hạ, tàn phá thì có được một người yêu thương lúc này thật khó khăn. Và chị quyết định trở thành một người mẹ đơn thân. Từ khi sinh được cô con gái nhỏ, cuộc sống của chị dường như thay đổi hẳn. Chị bận rộn, tất bật với cuộc sống để làm tròn thiên chức của người mẹ và cả trách nhiệm của một người cha đối với con gái nhỏ của mình. Nhìn thấy con lớn từng ngày khiến mọi mệt mỏi dường như tan biến. Thế nhưng, khi tròn một tuổi, rồi hai tuổi… mà con gái của chị vẫn chưa biết đi, biết nói, nhận thức lại chậm hơn hẳn những đứa trẻ khác. Ôm con đi khắp nơi tìm thầy thuốc để chạy chữa, song ở đâu người ta cũng lắc đầu vì con gái chị bị ảnh hưởng bởi di họa của chất độc da cam/dioxin. Bất lực, chị ôm con về nhà và đã hơn 30 năm trôi qua, người đàn bà ấy vẫn ôm ấp, chở che cho đứa con bất hạnh của mình cho đến ngày bản thân bà bị tai biến, không thể chăm sóc con gái được nữa.
Sau hơn chục năm chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, năm 1976, anh lính trẻ Quách Văn Xuân (thị trấn Nho Quan) hăm hở về quê phát triển kinh tế và lập gia đình với một cô thôn nữ người cùng làng. Niềm hạnh phúc ấy nhân lên gấp bội khi tròn một năm sau ngày cưới, vợ chồng ông đón cô con gái đầu lòng. Thế nhưng, ngay từ khi mới sinh ra, đứa trẻ ấy đã không lành lặn và chỉ ở lại trần gian được vỏn vẹn một ngày. Vợ chồng ông động viên nhau để cùng đi qua nỗi đau lớn ấy. "Chúng tôi chỉ biết là con bị dị tật bẩm sinh vì vợ tôi không được kiêng khem hay bị cúm khi mang thai cháu. Nhưng khi sinh những đứa con khác, đứa thì bị tật nọ, đứa bị tật kia, chúng tôi đưa các cháu đi khám thì mới biết chúng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam"- ông Quách Văn Xuân xót xa. Trong 4 đứa con của ông Xuân thì đứa con trai thứ 3 là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. "Nó vốn là đứa trẻ bình thường. Vẫn đi học và chơi đùa cùng các bạn. Nhưng khi lên lớp 4, nhận thức của cháu kém hơn so với các bạn nên không thể tiếp thu bài giảng của giáo viên. Mặt khác, cháu bắt đầu xuất hiện căn bệnh lạ. Toàn thân nổi những cục u ngày càng lớn. Có cục u xuất hiện ở mắt khiến cháu không thể nhìn thấy. Tuy không gặp khó khăn về đi lại, song hàng ngày cháu bị những cơn đau, ngứa hành hạ nên kêu khóc suốt ngày. Nhìn thấy con mà vợ chồng tôi xót xa, chỉ biết cố gắng chăm sóc cho nó ngày nào hay ngày đó, chứ không gánh thay nó nỗi đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần này được"- ông Xuân nói.
Theo điều tra xã hội học của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có trên 35.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Tổng số hội viên là 5.623 người, trong đó có 4.704 người được hưởng chính sách; trong số đối tượng được hưởng chính sách có 1.890 con của người hoạt động kháng chiến bị di chứng chất độc hóa học đang hưởng chế độ trợ cấp; trong đó có 653 đối tượng bị dị dạng, dị tật không tự chủ được trong sinh hoạt hưởng trợ cấp mức 1, số đối tượng này mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người thân.
Một đề án đậm nhân văn
Với mục đích góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đầu tư xây dựng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan khu nuôi dưỡng, chăm sóc những đối tượng là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị tật bẩm sinh hoặc mắc các bệnh về thần kinh, tâm thần. Khu nuôi dưỡng nội trú gồm 2 dãy nhà, mỗi dãy nhà 2 tầng gồm 8 phòng được xây dựng khép kín. Hiện, các phòng đã được trang bị về hệ thống điện thắp sáng, quạt trần, điều hòa nhiệt độ, giường inox, nước sạch sinh hoạt…
Bác sỹ Lâm Quang Đạo, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan cho biết: Nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng là con người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là một đề án lớn, đậm tính nhân văn. Theo kết quả khảo sát tình hình con của người nhiễm chất độc hóa học do Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện thực hiện, đa số các đối tượng có hoàn cảnh rất khó khăn, trong đó có tới 50% đối tượng nặng đặc biệt cần kinh tế, thuốc điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng; 15% đối tượng cần người chăm sóc; 10% đối tượng cần sự giúp đỡ về khám bệnh; 15% đối tượng cần hỗ trợ về phương tiện phục hồi; 10% đối tượng bán trú… Rất nhiều gia đình muốn gửi con vào nuôi dưỡng và chăm sóc tại Trung tâm theo đề án này.
Bắt đầu từ tháng 8-2014, Trung tâm tiếp nhận được 10 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt vào nuôi dưỡng thí điểm. Bệnh nhân Quách Thị Thành (thị trấn Nho Quan) là một trong những bệnh nhân đầu tiên được tiếp nhận vào Trung tâm. Nhà ở gần trung tâm nên thỉnh thoảng mẹ của bệnh nhân là Trần Thị Thắm lại vào trung tâm thăm con. Người mẹ khốn khổ ấy nói, năm nay con gái bà đã 36 tuổi rồi. Nhìn cô con gái gần 40 tuổi mà chỉ bé như một đứa trẻ chưa đầy… 5 tuổi, nằm co quắp với đôi mắt vô hồn mà vợ chồng bà xót xa, bất lực. Thương con lắm bởi nó là núm ruột không trọn vẹn của mình, nên ông bà hết lòng yêu thương đùm bọc cho con, mặc dù đứa con tội nghiệp đó cũng chẳng đủ trí tuệ để nhận biết được người sinh ra nó là ai. Vậy nhưng vài năm nay, sức khỏe của vợ chồng ông bà yếu đi nhiều. Chồng bà là thương binh, mù một mắt và điếc hoàn toàn. Sức khỏe kém nên chồng bà ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Con cái đi làm xa nên bà là người duy nhất có thể đi chăm sóc ông ở bệnh viện.... "Gánh nặng của vợ chồng tôi lại đặt lên vai các bác sỹ ở đây. Nhớ và thương con lắm, nhưng ở trung tâm, con tôi được quan tâm chăm sóc thế này thì vợ chồng tôi yên tâm và biết ơn lắm"- bà Thắm xúc động.
Không gặp khó khăn về nhân lực chăm sóc con như bà Trần Thị Thắm, gia đình ông Quách Văn Xuân lại gặp vấn đề khác. Ông bảo, bệnh của con ông khiến nó ngứa ngáy kêu khóc suốt ngày đêm. Ngoài ra, con ông còn hay bị các bệnh thông thường khác. Đưa đi viện thì nó không chịu, mà tự mua thuốc điều trị tại nhà thì không hiệu quả. Bởi vậy, ngay khi biết thông tin về dự án nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bị nhiễm chất độc hóa học tại Trung tâm thì gia đình ông Xuân là một trong những gia đình đầu tiên đăng ký gửi con vào Trung tâm.
Tận tụy những tấm lòng
Một ngày làm việc của bác sỹ, điều dưỡng khoa chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm chất độc hóa học thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi trời nhọ mặt người. Gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan từ hơn 20 năm nay với nhiệm vụ chính là trưởng khoa 2, nay lại "kiêm" thêm công việc của một khoa mới khiến bác sỹ Nguyễn Thị Thủy bận rộn hơn rất nhiều. Chạy tới, chạy lui khám bệnh cho bệnh nhân cả 2 khu, vậy mà khi tiếp xúc với chị, chúng tôi không hề cảm nhận được sự mệt mỏi ở chị. Bác sỹ Thủy nói, đối với một bác sỹ, không có gì hạnh phúc hơn là được nhìn thấy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện từng ngày. Song, đối với nhiều trường hợp bị di chứng chất độc da cam, thì điều này rất khó khăn và làm chúng tôi trăn trở nhất. Trong tổng số 10 bệnh nhân đang được nuôi dưỡng tại trung tâm thì có 2 bệnh nhân phải phục vụ tại chỗ. Bằng tình yêu thương đồng loại, trách nhiệm đối với những người có công với Tổ quốc, đạo đức của một người thầy thuốc, chúng tôi động viên nhau vượt qua những khó khăn ban đầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… để thực sự trở thành điểm tựa về mặt tinh thần cho gia đình các bệnh nhân. Công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân được đặt lên hàng đầu, luôn có người túc trực để kịp thời phát hiện những biểu hiện bệnh nhân lên cơn và có phương án cắt cơn kịp thời. Khu bệnh nhân thường xuyên được quét dọn sạch sẽ, khuôn viên thoáng mát. Trong những ngày cao điểm, anh chị em nhân viên còn tình nguyện làm thêm ngày, thêm giờ mà không đòi hỏi thù lao.
Chúng tôi gặp điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm khi chị đang kiên trì bón từng thìa cháo cho bệnh nhân. Chị Tâm bảo, một bữa ăn của bệnh nhân nặng thế này có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ và rất khó khăn bởi bệnh nhân không thể nhai, nuốt bình thường. Bởi vậy, hơn cả lòng kiên trì, công việc tưởng chừng rất đơn giản này còn đòi hỏi ở người điều dưỡng cả một tấm lòng nhân ái. Vì các bệnh nhân không biết nói ngay cả khi đói hoặc ăn không ngon miệng… Rồi nhẹ nhàng như một người mẹ hiền, Nguyễn Thị Tâm tỉ mẩn cắt tỉa móng tay, lau rửa cho bệnh nhân mà đầy tình thương, trách nhiệm.
Sau khi cho bệnh nhân ăn sáng, uống thuốc thì các điều dưỡng viên đưa những bệnh nhân có khả năng phục hồi lên phòng phục hồi chức năng. Bệnh nhân được tập đi, được xoa bóp liệu pháp… nên tỏ ra rất thích thú. Phấn khởi nhìn những bước đi ngày càng vững chắc của bệnh nhân Nguyễn Thị Huyền (quê ở Trường Yên, Hoa Lư), bác sỹ Thủy bảo: Đây chính là con gái của cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Hoản. Điều trị cho Huyền là thành công đầu tiên của chúng tôi. Khi mới tiếp nhận, Huyền không biết đi, không biết nói… Sau khi thăm khám cho Huyền, tôi thấy Huyền hoàn toàn có khả năng đi được nếu được tập luyện đúng phương pháp. Vậy là hàng ngày, chúng tôi đều có "giáo án" riêng để rèn luyện cho Huyền. Không kể ngày nắng, ngày mưa, sau 8 tháng bền bỉ, kiên trì của cả bệnh nhân và tập thể cán bộ, y, bác sỹ, Huyền đã biết chập chững những bước đầu tiên ở cái tuổi… ngoài 30.
"Hiện, trung tâm mới có khả năng nuôi dưỡng 10 bệnh nhân. Trong khi đó, trên thực tế khi chúng tôi đến thăm các gia đình có con bị di chứng chất độc da cam, rất nhiều hoàn cảnh bệnh nhân cần sự giúp đỡ của bác sỹ hoặc thiếu nhân lực chăm sóc con em tại nhà. Hiệu quả của việc nuôi dưỡng, chăm sóc nội trú bệnh nhân bị nhiễm chất độc da cam đã được khẳng định trên thực tế. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục có sự đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực… để chúng tôi có thể tiếp nhận, nuôi dưỡng nội trú tập trung được nhiều bệnh nhân hơn"- bác sỹ Nguyễn Thị Thủy nói vậy trước khi chia tay chúng tôi. Có lẽ, chỉ có lòng nhiệt tình, tâm huyết và tình yêu lớn với nghề, các y, bác sỹ ở đây mới gắn bó với trung tâm lâu đến nhường ấy.
Bài, ảnh: Đào Hằng