Đã 40 năm qua, những lời căn dặn ân cần của Bác trong bức thư ngày ấy (không ai ngờ là bức thư cuối cùng của Người gửi cho nhà trường) mãi mãi là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành Giáo dục - Đào tạo, là tâm nguyện của mọi thế hệ nhà giáo và cũng là của xã hội trong sự nghiệp "trồng người".
Ngày ấy, trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, trên miền Bắc XHCN cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt, thầy và trò vẫn đinh ninh lời dạy của Người "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt", do đó "Sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết".
Theo lời giáo huấn của Người, dạy tốt, học tốt là: Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong thời gian không xa đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật. Theo Người, dạy tốt, học tốt còn là "Phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn"…
Để dạy tốt, học tốt, trong thư Bác căn dặn: "Cần phát huy đầy đủ dân chủ XHCN, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân".
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước đang đặt ra nhiều nội dung, yêu cầu và thách thức lớn. Toàn ngành Giáo dục - Đào tạo đang triển khai mạnh mẽ cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; thực hiện cuộc vận động "Hai không" với 4 nội dung; triển khai phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới cơ cấu tổ chức, nội dung, phương pháp dạy và học, thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam.
Những lời dạy bảo ân cần của Bác về giáo dục từ lá thư đầu tiên ngày 4-9-1945 nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho đến lời căn dặn cuối cùng trước lúc đi xa, là lương tâm, đạo đức, là trí tuệ khoa học, là những giá trị dân tộc truyền thống chung đúc lại trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh. Vì vậy, đó là hành trang tinh thần, là vũ khí tư tưởng cho các thế hệ thầy, trò, cho mọi nhà trường trong sự nghiệp đổi mới và chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Cảnh Nguyễn