Có mặt tại chùa Đông Trang vào một buổi chiều hè, khác với không khí uy nghiêm, tĩnh lặng ngan ngát hương trầm ở một số ngôi chùa khác, tại góc sân đầy bóng mát của chùa Đông Trang lại có thêm tiếng cười nói nô đùa, tiếng ê a học bài của trẻ nhỏ. Nhìn những khuôn mặt trẻ thơ đang vui chơi vô tư không ai nghĩ rằng, đằng sau những nụ cười đó là những mảnh đời bất hạnh. Mỗi em có một cảnh ngộ khác nhau, có em bị bỏ rơi trước cổng chùa, có em có gia đình nhưng cha mẹ không đủ khả năng nuôi dưỡng nên gửi vào chùa nhờ đến sư thầy chăm sóc.
Sư thầy Thích Diệu Nhân, Trụ trì chùa Đông Trang chia sẻ nguyên nhân thầy trở thành "mẹ" của nhiều trẻ em là do từ năm 1996, trong những lần đi khất thực, thầy Nhân chứng kiến nhiều hoàn cảnh của các em là nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi lang thang. Hoàn cảnh các em vô cùng khó khăn khiến cho sư thầy thương xót và quyết tâm trở thành chỗ dựa để nuôi dưỡng, chăm lo cho các em khôn lớn thành người. Mỗi trẻ sống tại chùa đều có hoàn cảnh bất hạnh, tính cách khác nhau nên thầy phải lựa cách dạy bảo với từng em. Nhiều em sống cuộc sống lang thang từ bé nên tính khí thất thường, bướng bỉnh, quậy phá. Cũng có em do mặc cảm với số phận của mình trở nên lầm lì, hay cáu gắt. Vì vậy, thầy Nhân không chỉ có trách nhiệm nuôi dưỡng mà còn phải chăm sóc, dạy bảo các em nên người. Hằng ngày, các em được nhà chùa giáo dục từ điều ăn đến nếp ở, dạy làm những công việc nhẹ nhàng như quét sân, nấu cơm, thỉnh chuông, lau tượng Phật, nghe giảng kinh để tu dưỡng tâm đức, dần dần mọi khoảng cách được lấp đầy bằng tình yêu thương.
Hiện tại chùa đang nuôi dưỡng 10 em. Ngoài ra còn vài chục trẻ em đang sống cùng gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở trong và ngoài tỉnh cũng đang được nhà chùa chu cấp, động viên về vật chất và tinh thần.
Thầy Diệu Nhân cho biết: "Thời gian đầu, khi mới nhận nuôi các em, tôi không chỉ gặp áp lực về kinh tế mà còn gặp khó khăn khi chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Nhiều lúc tôi phải đi tìm người để xin sữa cho trẻ sơ sinh và học hỏi kinh nghiệm chăm sóc bé. Tôi cũng tận dụng thời gian để trồng rau, chăn nuôi thêm để có đủ gạo, rau cho các con. Ngày ngày trôi qua, các con dần khôn lớn là nguồn động viên để thầy Nhân cố gắng hơn nữa. Đặc biệt mỗi mùa tựu trường, gánh nặng lại đè lên đôi vai thầy. Những lúc ấy, thầy Nhân lại cặm cụi đóng từng tập sách, nhặt nhạnh từng cây bút và tất tả ngược xuôi vận động phật tử đóng góp ít nhiều lo học phí cho các em được đến trường.
Tiếng lành đồn xa, biết được tấm lòng từ bi và chứng kiến những hành động cao đẹp của thầy Nhân nên nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp cho nhà chùa để cùng chung tay nuôi dưỡng các em có hoàn cảnh khó khăn. Với các em nhỏ, ngôi chùa này đã thành một gia đình đầy đủ tình yêu thương. Tối đến, các anh, các chị cấp 3 dạy các em cấp 2, cấp 1 học. Ngôi chùa trở thành một phòng học lớn, với những tiếng khuyên bảo, dạy dỗ nhẹ nhàng, trìu mến. Chia sẻ, cảm thông với nỗi vất vả của thầy Thích Diệu Nhân, nhiều người trong xã cũng đến xin đỡ đần thầy việc chăm sóc bọn trẻ. Hàng ngày, những lúc rảnh rỗi, họ lại giúp thầy cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ quần áo cho các cháu.
Bà Nguyễn Thị Luyến, người dân xã Ninh An cho biết, nhiều lần vào chùa chứng kiến cảnh thầy Nhân vất vả chăm sóc các bé khiến cho bà và người dân trong xã rất cảm động. Do vậy, khi có thời gian rảnh rỗi tôi lại lên chùa cùng thầy và mọi người chăm nom việc ăn, ngủ cho các cháu. Trẻ ở chùa tuy đến từ nhiều địa phương, hoàn cảnh khác nhau nhưng được sự chăm sóc tận tình của sư thầy nên các em rất ngoan và yêu thương nhau như anh em ruột trong nhà.
Những năm qua, chùa Đông Trang đã nuôi hàng trăm trẻ em khôn lớn, trong đó có 30 em đã học đại học, 27 em lập gia đình và tìm được việc làm tự nuôi sống bản thân. Bên cạnh đó, thầy Nhân còn đóng góp, chu cấp tiền và đồ dùng cho hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đang sống cùng gia đình. Thầy Nhân cũng đóng góp nuôi nấng nhiều người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, thầy Nhân đều tích cực tham gia các hoạt động từ thiện ở địa phương, như tặng quần, áo cho những bệnh nhân trong các trại tâm thần, mua quà tặng cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách, ủng hộ quỹ nạn nhân chất độc da cam.... Không chỉ giúp đỡ những người bất hạnh và nuôi nấng trẻ mồ côi, do được học về thuốc nam nên thầy Nhân còn tích cực chữa bệnh từ thiện miễn phí cho nhân dân trong vùng.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh