Những năm qua, chương trình nhà ở "Mái ấm công đoàn" do Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động đang có sức lan tỏa sâu rộng, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của đoàn viên, công nhân, viên chức lao động trong việc chung tay giúp đỡ nhà ở cho đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại tỉnh ta, việc thực hiện chương trình này đã góp phần tạo niềm tin, sự phấn khởi và sự gắn bó của đội ngũ CNVCLĐ đối với tổ chức công đoàn.
Gần 40 tuổi và cũng đã đi làm công ty được hơn chục năm nhưng Tết này mới là cái Tết đầu tiên chị Trần Thị Mơ, công nhân Công ty May Đài Loan (Khu công nghiệp Gián Khẩu) được ở trong ngôi nhà mới. Nói đến hoàn cảnh của chị, có lẽ bất cứ người dân nào ở thôn Đào Lâm, xã Gia Thắng (Gia Viễn) cũng đều thấy thương cảm, xót xa. Là thân gái nhưng mọi việc trong gia đình trước nay đều đến tay chị. Hàng ngày, ngoài những hôm phải làm tăng ca ở Công ty, chị Mơ lại tranh thủ lo liệu ruộng vườn để có thêm tiền chạy chữa cho người chồng đau ốm, rồi còn lo tiền ăn, tiền học cho đứa con nhỏ. Loay hoay với miếng cơm manh áo, chị Mơ chưa bao giờ dám nghĩ đến việc xây cất được ngôi nhà nhỏ để lấy chỗ chui ra chui vào. Vợ chồng, con cái đành bồng tống nhau đến ở nhờ nhà ông bà- ngôi nhà cũng đã cũ kỹ, dột nát và chật hẹp. Cuộc sống khó khăn ấy sẽ còn kéo dài mãi nếu không có sự giúp đỡ của tổ chức công đoàn và lãnh đạo Công ty. Vừa qua, chị Mơ may mắn là một trong số những công nhân được LĐLĐ tỉnh và Ngân hàng Viettinbank hỗ trợ 50 triệu đồng, CĐCS và lãnh đạo Công ty giúp 20 triệu đồng để xây nhà "Mái ấm công đoàn". Dù còn phải vay mượn thêm nhưng chị Mơ rất phấn khởi: Năm nay cả nhà được đón Tết trong ngôi nhà mới, bố mẹ tôi mừng rơi nước mắt, còn bọn trẻ reo mừng, đi khoe khắp xóm. Không vui mừng sao được khi từ nay mỗi đợt gió mùa về, từ người già đến con trẻ trong gia đình không ai còn phải co ro né tránh những cơn gió rít bên hiên nhà… Tôi cũng vì thế mà yên tâm đi làm.
Niềm vui nhỏ bé nhưng ý nghĩa như của gia đình chị Mơ đã và đang được nhân lên ở rất nhiều nơi với rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác đã cho thấy ý nghĩa nhân văn cao cả của chương trình "Mái ấm công đoàn". Được biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình này, LĐLĐ tỉnh đã tích cực chỉ đạo và hướng dẫn các cấp công đoàn trực thuộc tổ chức tuyên truyền, vận động xây dựng Quỹ "Mái ấm Công đoàn", thường xuyên nắm bắt, khảo sát tình hình nhà ở, đời sống, việc làm, thu nhập của đoàn viên, CNVCLĐ để kịp thời hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Trong quá trình triển khai thực hiện, LĐLĐ tỉnh đã nghiên cứu thay đổi, áp dụng những biện pháp mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp công đoàn triển khai vận động, huy động được mọi nguồn lực để xây dựng nhà "Mái ấm công đoàn". Trong năm 2018, công đoàn các cấp trong tỉnh đã huy động được hơn 200 triệu đồng giúp cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn xây, sửa nhà ở. Đối với mỗi ngôi nhà "Mái ấm công đoàn" đã hoàn thành, LĐLĐ tỉnh đều có trách nhiệm phối hợp với công đoàn cấp trên cơ sở, lãnh đạo địa phương đến bàn giao, tặng quà, động viên người lao động tiếp tục vươn lên trong cuộc sống…
Đồng chí Dương Đức Khanh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: "An cư, lạc nghiệp" là rất đỗi bình thường đối với những người có cuộc sống trung bình và ổn định, nhưng đó sẽ là vấn đề rất quan trọng đối với những gia đình thường xuyên gặp khó khăn trong cuộc sống. Chương trình "Mái ấm công đoàn" đã thể hiện tinh thần tương thân, tương ái và tính nhân văn của một tập thể lớn dành cho những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trên cơ sở "lá lành đùm lá rách". Trên thực tế, còn rất nhiều người lao động đang mong mỏi có được những "Mái ấm công đoàn" như thế, do vậy chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, vận động và mong muốn nhiều hơn nữa sự chung tay, giúp sức của cộng đồng.
Đào Duy