Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã Lưu Phương đang nỗ lực phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2017. Hiện nay, xã còn hai tiêu chí chưa đạt đó là tỷ lệ hộ nghèo và cơ sở vật chất văn hóa. Riêng tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa thì sắp hoàn thành, khó khăn lớn hiện nay vẫn là tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo.
Tính đến hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Lưu Phương còn 4%. Qua khảo sát, đa số hộ nghèo là do trong gia đình có người bị ốm đau hoặc gặp rủi ro, trong khi đó các gia đình lại không có việc làm và thu nhập ổn định. Cuộc sống bấp bênh nên khó thoát nghèo, hoặc có thoát nghèo cũng không bền vững. Từ thực tiễn đó, xã Lưu Phương đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức tự lực cho người nghèo. Bên cạnh đó, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Cụ thể, đối với các hộ có ý thức vươn lên thoát nghèo được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện, được hỗ trợ con giống để phát triển chăn nuôi; được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng… và đặc biệt, địa phương rất quan tâm đến công tác dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương theo phương châm "cho cần câu hơn xâu cá", từ đó, tạo "lực đẩy" giúp người nghèo vươn lên. Xã cũng đã phân công nhiệm vụ cho các thôn, đưa ra kế hoạch giảm nghèo cụ thể. Đồng thời tạo điều kiện cho những dự án, mô hình của các cá nhân, doanh nghiệp đưa vào địa bàn để từ đó người nghèo cũng có cơ hội tìm ra hướng thoát nghèo phù hợp với mình.
Một thuận lợi trong công tác giảm nghèo ở Lưu Phương, đó chính là nhận được sự đồng thuận của các hội, đoàn thể ở địa phương và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân trong xã. Theo đó, mỗi tổ chức hội, đoàn thể căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực nghiên cứu, tìm tòi cách làm hiệu quả giúp hội viên vươn lên thoát nghèo. Nổi bật trong hoạt động giảm nghèo phải kể đến hoạt động của Hội Phụ nữ xã Lưu Phương. Bà Nguyễn Thị Lời, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã chia sẻ: Để hỗ trợ hội viên giảm nghèo hiệu quả, Hội Phụ nữ xã đã khảo sát thực tế về nhu cầu việc làm của lao động nữ trên địa bàn nói chung và của hội viên phụ nữ nói riêng để có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế cũng như tạo việc làm tại chỗ cho chị em.
Gia đình chị Trần Thị Thơm, hội viên chi hội phụ nữ xóm 7 xã Lưu Phương là một hộ mới thoát nghèo. Chị Thơm kể, gia đình chị cấy hơn một mẫu ruộng. Hai vợ chồng trẻ chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống cũng chỉ đảm bảo ở mức tối thiểu. Khi hai con đến trường, nhiều khoản chi tiêu đã trở thành gánh nặng cho đôi vợ chồng trẻ. Vì vậy, có năm vợ chồng chị "rớt" xuống hộ nghèo. Trong lúc loay hoay tìm hướng thoát nghèo, chị Thơm được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho tham gia lớp học đan cói. Thạo nghề, mỗi ngày chị Thơm cũng kiếm được từ 50-60 nghìn đồng. "Chồng tôi đi làm thuê xa nhà. Tôi ở nhà vừa chăm lo ruộng vườn, chăm sóc con cái mà vẫn có thêm thu nhập từ nghề đan cói nên cuộc sống bớt khó khăn đi nhiều. Đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo"- chị Thơm phấn khởi cho biết.
Hiện xã Lưu Phương đang duy trì tốt hoạt động của 2 làng nghề đan cói ở xóm 7 và xóm 9, thu hút sự tham gia tích cực của trên 200 hộ gia đình, trong đó nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. Xã cũng có hàng trăm hộ làm nghề kinh doanh. Đặc biệt, với diện tích đất nông nghiệp của xã là hơn 300ha, xã Lưu Phương đã chỉ đạo HTX nông nghiệp tăng cường tập huấn, chuyển giao KHKT, đưa các giống cây, con có năng suất, hiệu quả cao vào gieo trồng và chăn nuôi. Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Lưu Phương cho biết thêm: Từ năm 2016, địa phương đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa. Sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa, địa phương xác định tập trung vào hai hướng đi chính trong sản xuất nông nghiệp, đó là hình thành cánh đồng mẫu lớn và chuyển đổi đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, xã đã quy hoạch 5ha để thực hiện các mô hình kinh tế này và đang triển khai thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dưới nuôi cá và tôm, trên nuôi vịt. Để khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi lớn, xã đã tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay, đồng thời, mời các cơ quan chuyên môn về tập huấn kiến thức chăn nuôi, phát triển thủy, hải sản… Từ những kiến thức đã được tập huấn, cán bộ, hội viên đã áp dụng mở rộng mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản, phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng công nghiệp. Với sự vào cuộc tích cực của các lực lượng xã hội, nghị lực vươn lên của chính người nghèo, xã Lưu Phương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4% xuống còn 2% vào cuối năm 2017, đủ điều kiện đạt tiêu chí xã chuẩn NTM.
Bài, ảnh: Đào Hằng