Đến thăm Bệnh viện, nhiều người có cảm giác như được sống giữa một gia đình lớn bởi sự chăm sóc chu đáo, ân cần của các thầy thuốc và sự động viên chia sẻ của những người bệnh với nhau
Ông Đinh Thế Tuyền, 70 tuổi, ở xã Khánh Tiên (Yên Khánh) cho biết: Tôi bị bệnh khớp đã lâu, nhưng mới đây cánh tay phải của tôi bỗng đau cứng, không cử động được, huyết áp tăng cao. Được mọi người giới thiệu, tôi đến đây điều trị. Chỉ sau 10 ngày nằm viện, được các y, bác sĩ hướng dẫn tập luyện, được uống thuốc, ăn uống đầy đủ, sức khỏe của tôi được cải thiện rõ rệt, bệnh tật cũng giảm hẳn. Tay tôi đã cử động được. Chắc khi ra viện tôi sẽ khỏi.
Có mặt tại phòng tập phục hồi chức năng vào khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi đã được chứng kiến không khí hăng say luyện tập của hàng chục bệnh nhân, hầu hết là người cao tuổi. Mỗi người một bệnh, song nhiều nhất vẫn là bệnh huyết áp, tim mạch, tai biến mạch máu não, xương khớp… Đến với Bệnh viện, ngoài việc được khám, tư vấn sức khỏe, các bệnh nhân còn được tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, được chăm sóc dinh dưỡng. Sau khi ra viện người bệnh có thể tự duy trì bài tập và chế độ ăn uống phù hợp với bệnh lý của mình.
Theo bác sĩ Trần Văn Hải, Giám đốc Bệnh viện, phương pháp điều trị hiện nay của Bệnh viện đặc biệt có hiệu quả với những bệnh mãn tính, bệnh về hệ tiêu hóa, thần kinh, xương, khớp. Hiện có trên 20 kỹ thuật điều trị không cần thuốc đã được áp dụng, như điện phân, điện xung, điện châm, điện trường cao áp, tĩnh điện ion, điện từ trường, tập dưỡng sinh… Năm 2008, Bệnh viện đã được đầu tư gần 400 triệu đồng để mua sắm máy móc, dụng cụ tập luyện, như xe đạp nhiệt kế, giàn tập đa năng. Sắp tới Bệnh viện sẽ đưa liệu pháp ôxy cao áp vào điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh về huyết áp, tim, phổi…
Liên tục đưa các biện pháp kỹ thuật mới vào điều trị là một trong những lý do giải thích vì sao Bệnh viện ngày càng thu hút đông bệnh nhân đến khám, điều trị. Trung bình mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.500 bệnh nhân vào điều trị nội trú, mỗi đợt điều trị 25 ngày. Đa số người bệnh khi ra viện đều có chuyển biến tích cực về sức khỏe. Tinh thần thoải mái, phấn chấn.
Ngoài việc được tập phục hồi chức năng, Bệnh viện cũng hết sức chú trọng công tác điều dưỡng. Khoa dinh dưỡng của Bệnh viện phục vụ bệnh nhân ăn 3 bữa/ngày, bước đầu đã tiếp cận với phương pháp chăm sóc dinh dưỡng theo chế độ bệnh lý, đảm bảo yêu cầu vệ sinh, thường xuyên đổi bữa, giúp người bệnh ăn hết khẩu phần và không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Hàng tuần Bệnh viện tổ chức nói chuyện sức khỏe vào chiều thứ 4 nhằm cung cấp cho người bệnh kiến thức chăm sóc sức khỏe, các biện pháp xử trí đối với những bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tại cuộc họp hội đồng bệnh nhân vào chiều thứ 6, Ban Giám đốc luôn dành thời gian lắng nghe những băn khoăn, thắc mắc và đề xuất của người bệnh, từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Những biện pháp "điều dưỡng" về tinh thần cũng đã được Bệnh viện chú ý. Lúc rảnh rỗi, người bệnh có thể đọc sách, báo, xem ti vi, chơi cờ hoặc tập cầu lông, bóng bàn, chăm sóc cây cảnh, tạo điều kiện để các bệnh nhân được giao lưu, sống vui, sống khỏe, tác động tích cực vào quá trình phục hồi chức năng của người bệnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bệnh viện cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, như tình trạng thiếu bác sĩ, đặc biệt là người có chuyên môn sâu về phục hồi chức năng; hiện còn một số khoa chưa triển khai được do thiếu biên chế, thiếu trang thiết bị. Mức tiền ăn của người bệnh cũng cần được nâng lên do giá cả tăng.
Năm 2009, Bệnh viện phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chuyên môn và đẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị, tham gia công tác chỉ đạo tuyến để triển khai có hiệu quả công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Hà Trang