Phóng viên: Mới đây, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực với các quy định liên quan trực tiếp đến người lao động. Đồng chí đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức mà Hiệp định mang đến cho người lao động và tổ chức Công đoàn?
Đồng chí Dương Đức Khanh: Khi chúng ta gia nhập CPTPP, cơ hội đầu tiên phải kể đến là số lượng doanh nghiệp tăng nhanh kéo theo sự tăng nhanh về số lượng lao động. Đây là nguồn phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS dồi dào cho tổ chức công đoàn. Người lao động cũng sẽ có thêm nhu cầu được tổ chức công đoàn quan tâm đến đời sống, việc làm, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Đây là điều kiện thuận lợi để công đoàn tập hợp, vận động người lao động tham gia tổ chức của mình.
Đặc biệt, khi tham gia Hiệp định này, hệ thống pháp luật nước ta tiếp tục phải hoàn thiện, phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế. Trong đó, những quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động phải minh bạch và bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sẽ giúp cho công đoàn hoạt động được thuận lợi hơn, phát huy được vai trò và thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn.
Mặc dù vậy, chúng ta cũng biết rằng, khác với tổ chức công đoàn ở các nước trên thế giới, bên cạnh chức năng "bẩm sinh, vốn có" của mình là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và chức năng tuyên truyền, vận động đoàn viên, Công đoàn Việt Nam còn có chức năng tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Công đoàn Việt là một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, một bộ phận trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, khi gia nhập CPTPP, sẽ có tổ chức của người lao động đứng ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam vận động và phát triển đoàn viên. Điều đó đã đặt Công đoàn vào sự cạnh tranh mạnh mẽ với các tổ chức đại diện cho người lao động khác và trở thành thách thức lớn chưa từng có đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Phóng viên: Như đồng chí vừa trao đổi, với Hiệp định CPTPP lần đầu tiên vấn đề "đa công đoàn" được quy định và áp dụng tại nước ta. Vấn đề này được hiểu như thế nào?
Đồng chí Dương Đức Khanh: Theo Hiệp định này, có thể sẽ hình thành tổ chức đại diện cho người lao động khác hoạt động song song và cạnh tranh trực tiếp với Công đoàn Việt . Khi đó, Công đoàn Việt sẽ không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động như lâu nay nữa mà sẽ phải cạnh tranh bình đẳng để giành được sự thừa nhận, tham gia của người lao động.
Theo cam kết của CPTPP, tổ chức của người lao động không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị mà chỉ phải tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, Công đoàn Việt Nam phải thực hiện các nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội nên nguồn lực bị phân tán, bị động trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng cán bộ công đoàn. Cùng với đó, nguồn lực bảo đảm cho hoạt động của Công đoàn Việt Nam rất khó khăn trong việc tạo ra những quyền lợi khác biệt giữa đoàn viên và người lao động không phải là đoàn viên công đoàn, dẫn đến bất lợi trong việc cạnh tranh, thu hút người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam do tổ chức của người lao động khác có nguồn lực tài chính tốt hơn.
Như vậy có thể thấy, Công đoàn Việt Nam vừa phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động khác để thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên; đồng thời vừa phải giữ vững vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Nhiệm vụ của tổ chức công đoàn sẽ ngày càng nặng nề, quan hệ lao động trở nên phức tạp hơn.
Phóng viên: Việc thu hút người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn rõ ràng là một thách thức. Ngay từ lúc này, các cấp công đoàn trong tỉnh đã có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Dương Đức Khanh: Trước hết chúng tôi nắm chắc số doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn trên từng địa bàn; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu về Công đoàn Việt Nam, hiểu lợi ích của bản thân khi gia nhập công đoàn, từ đó tự giác gia nhập; đồng thời chủ động và tích cực gặp gỡ, làm việc với chủ sử dụng lao động để tạo được sự ủng hộ cho việc thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở.
Chúng tôi cũng thường xuyên nắm tình hình tư tưởng, nguyện vọng, những bức xúc của đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp để tham gia, phối hợp giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho họ; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống, việc làm; huy động các nguồn lực để thăm hỏi, tặng quà cho CNLĐ... Trong đó phải kể đến các hoạt động Tháng Công nhân hàng năm đã được các cấp công đoàn triển khai sôi nổi, rộng khắp. Ngoài các hoạt động chia sẻ khó khăn, giao lưu-đối thoại, tư vấn pháp luật, nhiều công đoàn cấp trên cơ sở đã tổ chức "Ngày hội công nhân" tạo sân chơi bổ ích, chia sẻ và gắn kết, tạo niềm tin cho người lao động vào tổ chức công đoàn.
Một điểm nhấn nữa là hoạt động của Quỹ Mái ấm công đoàn. Qua 10 năm hoạt động đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa hơn 100 ngôi nhà. Điều đáng nói là chỉ với mức hỗ trợ ban đầu của tổ chức công đoàn từ 20 - 30 triệu đồng đã tạo quyết tâm, động lực để các gia đình tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn và nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ cộng đồng, cơ quan, đơn vị, để ngôi nhà khi hoàn thành lên tới 200 - 300 triệu đồng. Đặc biệt, chương trình "Tết sum vầy" được tổ chức mỗi dịp Tết Nguyên đán với nhiều hoạt động phong phú như thăm hỏi, tặng quà, tôn vinh biểu dương người lao động… đã thể hiện sự chia sẻ và kết nối, góp phần đem mùa xuân ấm áp đến với tất cả đoàn viên và người lao động. Nhờ đó, hàng năm các chỉ tiêu về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đều vượt kế hoạch của tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt giao cho.
Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh của mình, đó là việc luôn quan tâm, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Bởi kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, sẽ không có một phương pháp tuyên truyền nào hiệu quả bằng việc bản thân tổ chức công đoàn chứng minh được hiệu quả hoạt động, thực sự hướng về cơ sở, là "điểm tựa" vững chắc để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Đồng thời chúng tôi cũng tự làm mới mình với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là một trong những yếu tố quyết định chất lượng hoạt động công đoàn.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Duy