Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh một ngày giữa tuần, chúng tôi gặp khá đông người dân đến khám, chữa bệnh (KCB) bằng thẻ BHYT. Gặp anh Nguyễn Văn Tám, xóm 7, xã Khánh Thủy (Yên Khánh) đang làm thủ tục ra viện, anh cho biết: Được cán bộ BHXH tư vấn và hiểu rõ lợi ích của tấm thẻ BHYT đối với sức khỏe của mình, nhất lại là lao động chính trong nhà, cách đây 3 năm tôi đã mua BHYT tự nguyện. 2 năm gần đây, tôi mắc bệnh sơ gan và tiểu đường, mỗi đợt phải điều trị từ 12-15 ngày, chi phí tốn kém gần chục triệu đồng, rất may tôi được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả 80%, bản thân chỉ phải chi trả 20%, tương đương với hơn 1 triệu đồng. Quả thật, với chi phí chữa bệnh lớn như thế, đối với những người nông nghiệp như chúng tôi nếu không có BHYT chắc là sẽ không có điều kiện để trang trải chi phí chữa bệnh. Qua trường hợp của tôi, mong rằng nhiều người dân nên biết chăm lo sức khỏe cho mình, mua thẻ BHYT để mình có "cứu cánh" khi không may ốm đau, bệnh tật, tai nạn…
May mắn hơn anh Nguyễn Văn Tám, anh Lê Đại Thành ở xã Khánh Cư (Yên Khánh) được hưởng chế độ BHYT cho hộ nghèo. Bị bệnh suy thận độ 4 đã 8 năm nay, nhờ tấm thẻ BHYT, anh Thành yên tâm khi được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Đều đặn tuần 3 buổi, mỗi tháng 13 lần anh Thành đến khoa Thận - Bệnh viện Đa khoa tỉnh lọc máu duy trì sự sống. Anh cho biết, mỗi tháng điều trị như vậy, nếu không có chế độ BHYT anh phải chi trả gần 20 triều đồng, nhưng nhờ có thẻ BHYT của hộ nghèo anh chỉ phải trả gần 2 triệu đồng. "Nếu không có tấm thẻ BHYT hộ nghèo, chắc chắn tôi không thể vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo này. BHYT thực sự là phép màu, là bùa hộ mệnh của rất nhiều người bệnh, nhất là những người nông dân nghèo như chúng tôi..."- anh Thành chia sẻ.
Đồng chí Lê Chính Chuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong những năm qua, nhất là khi được chuyển sang cơ sở mới với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị tương đối hiện đại, Bệnh viện luôn phấn đấu để không ngừng nâng cao chất lượng KCB cho người dân trong tỉnh và một số vùng lân cận nói chung và những bệnh nhân có thẻ BHYT nói riêng. Thể hiện trước hết ở khâu tiếp đón, Bệnh viện có cơ sở khám bệnh rộng rãi, thoáng mát với hệ thống quạt, điều hòa, ti vi… phục vụ người đến KCB. Đặc biệt, Bệnh viện đã áp dụng công nghệ thông tin khi bệnh nhân đến rút số tự động, bàn đón tiếp, sau đó chuyển đến các phòng khám, tại phòng khám, bệnh nhân được xếp theo thứ tự để làm các thủ tục cận lâm sàng...
Bệnh viện cũng phối hợp tốt với cơ quan BHXH để thống nhất quy trình tại Khoa khám bệnh nhằm rút ngắn những khâu trung gian, những thủ tục không cần thiết được loại bỏ, giúp người bệnh không phải chờ đợi lâu, đi lại nhiều. Đối với những bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú, Bệnh viện thực hiện tốt quy trình KCB cho bệnh nhân nói chung, bệnh nhân BHYT nói riêng.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện nay, người bệnh có thẻ BHYT được bình đẳng trong KCB và hưởng gần hết các chế độ, dịch vụ kỹ thuật tiến bộ, các loại thuốc, vật tư tiêu hao theo quy định của Nhà nước. Tại các khoa, phòng phục vụ bệnh nhân nói chung, bệnh nhân có thẻ BHYT nói riêng đều được phục vụ tận tình, chu đáo, công khai, minh bạch các chi phí KCB… Bình quân mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh đón tiếp 600-800 bệnh nhân đến KCB, cao điểm có ngày lên tới hàng nghìn người, trong đó tỷ lệ bệnh nhân KCB bằng thẻ BHYT chiếm trên 70%.
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để nâng cao chất lượng KCB nói chung, cho người có thẻ BHYT nói riêng, thời gian tới, nhất là trong năm 2013, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục được Dự án ODA đầu tư về trang thiết bị, trong đó có nhiều trang thiết bị hiện đại như máy chụp cộng từ, máy chụp can thiệp mạch, các thiết bị của khu chẩn đoán hình ảnh, khu xét nghiệm, khoa gây mê hồi sức, khoa điều trị tích cực… cơ bản đáp ứng về phương tiện, kỹ thuật hiện đại. Khi có cơ sở vật chất tốt, Bệnh viện tiếp tục đầu tư đào tạo về con người, nhất là tới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, đó là cơ hội để Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát triển tốt hơn về chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu KCB ngày càng cao của người bệnh, đặc biệt là những dịch vụ kỹ thuật cao, giảm tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên…
Đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Luật BHYT, đồng chí Lê Hùng Sơn, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Điều đáng ghi nhận là đến nay công tác KCB BHYT ngày càng được nâng lên theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ. Hiện, BHXH tỉnh đã thẩm định, ký hợp đồng với 151 cơ sở KCB trên địa bàn, gồm 10 bệnh viện tuyến tỉnh và tương đương; 30 bệnh viện tuyến huyện (8 bệnh viện huyện, 22 phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám tư nhân và Trung tâm Y tế Trường Đại học Hoa Lư); 112 cơ sở KCB tuyến xã. Toàn tỉnh hiện có 626 nghìn người tham gia BHYT, chiếm khoảng 68,4% dân số. Năm 2012, BHXH tỉnh đã thanh toán hơn 326 tỷ đồng cho trên 1,3 triệu lượt bệnh nhân KCB BHYT. 5 tháng đầu năm 2013, ước chi KCB BHYT trên 177 tỷ đồng; riêng tháng 5-2013 đã có trên 121 nghìn lượt người KCB nội, ngoại trú; lũy kế từ đầu năm là trên 649 nghìn lượt người…
Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý quỹ KCB BHYT, BHXH tỉnh đã tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của BHXH Việt Nam, của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp có hiệu quả với các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng như: Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính, LĐLĐ tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo... trong việc tập trung thu và đốc thu BHXH, BHYT. BHXH tỉnh cũng tăng cường công tác vận động, tuyên truyền và nỗ lực tìm những giải pháp hữu hiệu; tích cực chủ động khai thác các nhóm đối tượng thuộc diện có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của Luật.
Đồng thời tích cực phối hợp với ngành Y tế, các cơ sở KCB trên địa bàn triển khai thực hiện chặt chẽ các quy trình về đón tiếp bệnh nhân, quy trình giám định, thẩm định, thanh toán chi phí KCB BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở KCB BHYT. Nâng cao ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định; thực hiện giám sát, quản lý chi phí KCB cũng như thanh toán trực tiếp với người bệnh, giải quyết linh hoạt, kịp thời các tình huống phát sinh. Các thủ tục trong KCB bằng BHYT được thực hiện nhanh chóng, tiện lợi, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT, khẳng định tính ưu việt khi tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe ban đầu và hỗ trợ kinh phí khi phải điều trị bệnh trọng.
Một thuận lợi nữa là qua từng năm, Luật BHYT đã dần từng bước đi vào đời sống xã hội. Việc thực hiện các quy định của Luật được đông đảo nhân dân và đối tượng hưởng chính sách BHYT quan tâm, ủng hộ…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT tự nguyện còn chậm, nhất là công tác khai thác, phát triển đối tượng ở những hộ gia đình làm nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động hợp đồng nhưng không tham gia BHYT. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số người sử dụng lao động, người lao động chưa đầy đủ, họ chưa ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc tham gia BHYT. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh để buộc doanh nghiệp sử dụng lao động tuân thủ... là những rào cản lớn trong thực hiện Luật BHYT.
Với phương châm tăng cường trách nhiệm, thực hiện nghiêm pháp luật về BHYT nhằm thực hiện tốt lộ trình BHYT toàn dân theo Quyết định 538/QĐ-TTg ngày 29-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2015-2020, BHXH tỉnh xác định, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT để có những đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn cho phù hợp; tham mưu với UBND tỉnh thực hiện tốt việc quản lý Nhà nước về BHYT, nâng cao chất lượng KCB, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT; tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định rõ trách nhiệm của các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật BHYT, hướng dẫn lựa chọn các phương thức thanh toán phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện, quản lý BHYT… nhằm phục vụ tốt hơn nữa người bệnh BHYT; đảm bảo kiểm soát chất lượng KCB và sử dụng Quỹ BHYT có hiệu quả...
Hạnh Chi