PV: Xin đồng chí cho biết quy định mới về đối tượng tham gia BHYT?
Đ/c Vũ Văn Cẩn: Điểm mới đầu tiên được quy định đó là BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc, áp dụng thực hiện cho tất cả các đối tượng theo quy định của pháp luật để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện, không còn khái niệm bảo hiểm tự nguyện.
Đối tượng tham gia BHYT được nhóm gọn từ 25 nhóm trước đây còn 5 nhóm theo trách nhiệm đóng (nhóm 1 do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm 2 do BHXH đóng, nhóm 3 do ngân sách nhà nước (NSNN) đóng, nhóm 4 do NSNN hỗ trợ một phần và nhóm 5 do hộ gia đình đóng).
Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình là điểm mới và mang tính khuyến khích cao để có nhiều người dân tham gia tiến tới BHYT toàn dân. Nếu các thành viên trong hộ gia đình tham gia đầy đủ thì mức đóng sẽ được giảm trừ theo thứ tự từ người thứ 2, 3, 4 và 5 là 70%, 60%, 50% và 40% mức đóng của người thứ nhất.
Bên cạnh đó, Luật BHYT cũng quy định về việc bổ sung đối tượng: BHXH sẽ đóng cho người đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (Ninh Bình là đủ 75 tuổi); người nghỉ hưởng chế độ thai sản. NSNN đóng cho người sống ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, người sống ở xã đảo, huyện đảo. NSNN hỗ trợ 70% cho người cận nghèo (Ninh Bình là 100%); học sinh, sinh viên là 30% (Ninh Bình là 40%), người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình (thu nhập trên chuẩn cận nghèo đến dưới 900.000 đồng/người/tháng) là 30%.
Có thể đóng BHYT hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Thẻ BHYT có giá trị sử dụng ngay đối với nhóm đối tượng 1, 2, 3. Sau 30 ngày đối với người tham gia ngắt quãng từ 3 tháng trở lên. Trẻ em dưới 6 tuổi đủ 72 tháng, chưa nhập học, thẻ có giá trị sử dụng đến ngày 30-9 của năm đó.
PV: Thưa đồng chí, lần sửa đổi này, Luật BHYT có mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT không?
Đ/c Vũ Văn Cẩn: Luật BHYT sửa đổi lần này chú trọng mở rộng, bổ sung quyền lợi của người tham gia BHYT: Quỹ BHYT sẽ chi trả điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ cho trẻ em dưới 6 tuổi; khám, chữa bệnh cho những trường hợp tự tử, tự gây thương tích; tổn thương về thể chất và tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra; khám, chữa bệnh đối với bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.
Chi trả tiền vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên với đối tượng: LLVT, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người hưởng bảo trợ xã hội hàng tháng, thân nhân người có công trong trường hợp cấp cứu, đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến trên vì lý do chuyên môn kỹ thuật.
Luật cũng quy định rõ việc nâng mức hưởng khi đi khám, chữa bệnh: Bỏ quy định cùng chi trả đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người hưởng bảo trợ xã hội; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo; người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Quy định nâng mức hưởng đối với thân nhân người có công là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ được hưởng từ 80% lên 100%; các thân nhân khác được hưởng từ 80% lên 95%; người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95%.
Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có quy định về việc nâng lên mức hưởng của người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến. Theo đó, năm 2015 khi đi khám, chữa bệnh không có giấy giới thiệu từ cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu đến Bệnh viện huyện được hưởng 70% chi phí điều trị cả nội trú và ngoại trú; Bệnh viện tỉnh được hưởng 60% chi phí điều trị nội trú; Bệnh viện Trung ương hưởng 40% điều trị nội trú. Từ năm 2016 đến năm 2020 được hưởng 100% chi phí điều trị tại tuyến huyện và 60% - 40% đối với điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và tuyến Trung ương. Từ 1-1-2021, quỹ BHYT chi trả 100% đối với điều trị không đúng tuyến tại tuyến huyện và điều trị nội trú tại tuyến tỉnh; chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại tuyến trung ương.
Cũng từ năm 2016, người có thẻ BHYT đi thẳng đến các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện trong tỉnh không phụ thuộc địa dư hành chính đều được hưởng đúng tuyến.
PV: Trong các quy định về việc mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT, nhiều người dân quan tâm đến việc quy định về "thông tuyến trong khám, chữa bệnh". Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về quy định này?
Đ/c Vũ Văn Cẩn: Từ ngày 1-1-2015 người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.
Đối với người dân tộc thiểu số và người nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán: chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện; chi phí khám, chữa bệnh khi điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.
PV: Luật BHYT sửa đổi, bổ sung cũng quy định về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan như thế nào? Nhất là đối với chủ sử dụng lao động?
Đ/c Vũ Văn Cẩn: Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã quy định trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện: UBND cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng bộ máy, nguồn lực để thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế tại địa phương; quản lý và sử dụng 20% kết dư. UBND cấp xã có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình cho các đối tượng trên địa bàn. Lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em đồng thời với việc cấp giấy khai sinh.
Trách nhiệm của chủ sử dụng lao động nếu nợ đóng BHYT cho người lao động phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng… Và phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
BHYT là một chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta mang tính nhân đạo và chia sẻ sâu sắc giữa số đông với số ít, người khỏe với người ốm, người độ tuổi lao động với trẻ em và người già, người giàu với người có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân để hướng tới BHYT toàn dân vào năm 2020.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)