Những cái kết đắng lòng Cầm tấm bằng Học viện Quan hệ Quốc tế loại khá trên tay, Nguyễn Thị T (phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình) trở về quê hương với một nhiệt huyết được cống hiến, được thể hiện bản thân. Bố mẹ T. mong muốn con sẽ công tác tại một cơ quan Nhà nước nên tận dụng các mối quan hệ để hồ sơ của T được gửi vào cho lãnh đạo xem.
Thế nhưng nhiệt huyết của cô gái trẻ ấy cứ nguội dần khi đem hồ sơ xin việc đến cơ quan nào dù chỉ làm hợp đồng thôi cũng nhận được những lời từ chối nhẹ nhàng "Cơ quan đã đủ biên chế, không cần thêm người", "chuyên ngành không phù hợp với yêu cầu", thậm chí còn im lặng không một hồi âm.
Sau gần 2 năm vừa xin việc vừa làm maketing cho một số công ty tư nhân với mức lương ít ỏi chưa đến 3 triệu/tháng, T chán nản định khăn gói lên Hà Nội xin việc thì bị sự phản đối quyết liệt của mẹ. Mẹ T bảo: Con gái phải có công ăn việc làm ổn định thì mới lấy chồng được, lêu bêu nay đây mai đó ai nó rước. Mà bố mất rồi, kinh tế nhà mình khó khăn, không cho con học tiếp được nữa đâu. Để mẹ tính, con cứ ở nhà. Qua lời giới thiệu của một chị bán trứng ngoài chợ, T và mẹ đến gặp một người đàn ông tự nhận đang công tác tại Sở Giao thông vận tải, có khả năng xin việc vào bất cứ cơ quan Nhà nước nào trên địa bàn tỉnh vì là cháu ruột một đồng chí lãnh đạo ở tỉnh.
Mang hồ sơ đến nhà người đàn ông tên D, mẹ T và T vừa mừng vừa lo. Mừng vì khả năng được đi làm của con cao nhưng lo vì số tiền để vào ngành giáo dục như D nói lại quá cao so với sức của gia đình. Vẫn biết là chạy việc cho con phải mất tiền, mẹ T cũng đã dành dụm được 1 trăm triệu đồng nhưng số tiền D nói lại gấp 4 lần số tiền đó. T khóc lóc bảo mẹ "Nhà mình nghèo lấy đâu ra tiền lớn như thế", mẹ T. nằng nặc "Mẹ có mình con, cứ để mẹ lo".
Thế rồi không hiểu sao mẹ T cũng xoay được 250 triệu để đưa trước cho D theo thỏa thuận, khi nào có quyết định thì đưa nốt số tiền. Tiền đã đưa nhưng việc thì mãi không thấy đâu. T làm đúng theo yêu cầu của D là làm hồ sơ thi vào ngành giáo dục nhưng đến khi xem kết quả thì vẫn trượt. T và mẹ đến nhà hỏi thì D bảo mình là trường hợp nhờ vả nên có quyết định sau, cứ yên tâm.
Nhưng chờ mãi gần nửa năm vẫn không nhìn thấy quyết định đâu, tháng nào T và mẹ cũng xách cân hoa quả đến vật nài D giúp đỡ, nếu không được thì xin lại số tiền đã đặt cọc vì đi vay nóng, trả lãi suất cao nhưng D cứ hứa hẹn, lần lữa lần này qua lần khác. Gia đình T dọa kiện đưa ra pháp luật thì D quát nạt đóng cửa không tiếp, không nghe điện thoại.
Số tiền gốc và lãi vay phải trả càng ngày càng lớn, con thì không có việc làm, đòi tiền mãi không được, mẹ T sinh ra trầm cảm, suốt ngày khóc lóc rồi bi kịch đến với cô gái trẻ khi một buổi sáng tỉnh dậy thấy mẹ thắt cổ tự tử trong gian bếp ngay tại nhà. T phải bán căn nhà đang ở để trả nợ cho mẹ rồi cầm đồng vốn ít ỏi vào Nam lập nghiệp.
Cũng phải đi vay để lấy tiền như T nhưng trường hợp của Nguyễn Thị Thu H (xã Khánh An huyện Yên Khánh) thì có phần khác. Theo đuổi một người đang công tác tại ngành y tế của huyện, được người này nhận làm con nuôi nên H dễ dàng đưa tiền cho người phụ nữ ấy mà không mảy may suy nghĩ. Đến nay H đã theo đuổi sự nghiệp vào biên chế Nhà nước đã 5 năm với số tiền bỏ ra hết lần này lần khác là hơn 200 triệu.
Hiện nay H cũng đang làm hợp đồng ngắn hạn tại Bệnh viện Đa khoa huyện với những lời hứa có cánh từ người mẹ nuôi "Nhiều trường hợp con ông cháu cha lắm, mình chỉ là dân thường lại ít tiền nên phải đợi. Chỗ này là chỗ thân tình của mẹ, con cứ yên tâm, đi làm lấy chồng được là tốt rồi.
Trước sau gì cũng vào biên chế nhưng chắc phải đưa thêm cho họ 100 triệu đồng nữa". H nghe theo về nhà nói chuyện với chồng, chồng H tức giận biết là vợ bị lừa, dứt khoát không đưa tiền, bắt H đòi lại số tiến 200 triệu đã đưa nhưng H khăng khăng chỗ này là mẹ nuôi lâu rồi nên "đảm bảo". Thế là vợ chồng xích mích, cãi vã. Mâu thuẫn căng thẳng đến mức cả 2 đưa nhau ra tòa làm thủ tục ly dị.
Khi H giải quyết xong việc gia đình, quay lại chỗ làm thì được thông báo đã hết thời gian hợp đồng nên tạm thời nghỉ việc. Người mẹ nuôi lại tiếp tục dỗ dành H tiếp tục chờ đợi nhưng mãi chẳng có hồi âm gì. H đặt vấn đề xin lại số tiền 200 triệu đã đưa để xin chỗ khác thì bà mẹ nuôi hết động viên lại khất lần.
Cuối cùng bà chốt hạ một câu "Đã đưa hết tiền cho người ta rồi, bây giờ làm sao đòi lại được, người ta còn phạt cho vì mình đơn phương phá vỡ hợp đồng. Đây là 50 triệu tiền của cá nhân tôi trả cho cô chứ chẳng ai đi xin việc không được lại đòi tiền như thế đâu". H ngậm đắng nuốt cay, mẹ nuôi cũng mất, tiền cũng mất, gia đình cũng mất mà việc làm không có. H trắng tay.
Người dân hãy tự bảo vệ mình
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều những bi kịch của sinh viên mới ra trường. Có những sinh viên gia đình không có điều kiện, do hàng xóm, bạn bè rủ rê đã lao vào nhiều con đường phạm tội, bán hết cả danh dự, nhân phẩm của mình để có tiền xin việc với một mơ ước: Vào biên chế Nhà nước cuộc sống sẽ ổn định, sẽ đắt chồng…
Thực tế, chiêu trò lừa đảo xin biên chế tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh ta những năm gần đây diễn ra hết sức phức tạp. Cái khó là người bị lừa không có căn cứ để đưa những kẻ lừa đảo ra pháp luật hoặc bị những lời dọa dẫm làm chùn chân kiểu như tôi là cháu/em ông nọ bà kia, cứ kiện đi, có khi tôi kiện lại cho vì tội vu khống, không ai làm gì được tôi cả…
Với người dân nông thôn, số tiền vài trăm triệu đồng cho một lần xin việc đâu phải ít, đó là cả đời ky cóp, tiết kiệm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Hầu hết những gia đình ở nông thôn thường chọn giải pháp là vay nóng để có tiền xin việc cho con, nhất là những em tốt nghiệp trường Cao đẳng y tế Ninh Bình.
Cứ người này truyền người kia, số tiền lên đến 400, 500 triệu đồng cho một suất biên chế. Có những trường hợp thành công nhưng đa phần là thất bại với những cái kết đắng khi người trong cuộc phải gánh một khoản nợ nặng nề. Thế nhưng vì tâm lý muốn con có một việc làm ổn định, nhiều gia đình sẵn sàng lao vào cuộc đua vào biên chế đầy may rủi ấy.
Thực trạng sinh viên ra trường không có việc làm là điều kiện tốt để hoạt động lừa đảo chạy việc, chạy biên chế nở rộ. Lực lượng Công an cũng đã vào cuộc và điều tra được một số vụ chạy việc trên địa bàn nhưng khi vỡ lở thì các đối tượng đều đã sử dụng những đồng tiền phi pháp vào mục đích cá nhân, người bị lừa đảo khó lòng thu lại được.
Chính vì vậy, người dân hãy tự bảo vệ mình, tránh xa những chiêu trò lợi dụng lòng tin để xin việc, chạy biên chế. Và trước hết phải xác định được học đại học không phải là cánh cửa duy nhất để vào đời; tốt nghiệp ra trường không nhất nhất cứ phải vào biên chế Nhà nước mới có cuộc sống ổn định. Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp lớn, nhu cầu nguồn nhân lực là rất cao.
Chính vì vậy các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố cần tích cực triển khai công tác tuyên truyền để người dân tránh xa những chiêu trò lừa đảo xin việc, tự mình xin việc vào những nơi thích hợp, phù hợp với sở trường, chuyên ngành đào tạo. Bên cạnh đó cần tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để các em có những nhận thức đúng đắn cho tương lai sau này của mình…
Nguyễn Khánh