Tai nạn gia tăng
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, từ tháng 12-2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ TNGT đường sắt, làm chết 17 người. Riêng thị xã Tam Điệp đã có 9 vụ làm 11 người chết. Đây cũng là năm có số vụ và số người chết tăng đột biến (năm 2007, toàn tỉnh có 6 vụ, 8 người chết). Đáng nói, chỉ trong vòng nửa tháng (từ 15 đến 30-8) đã xảy ra 3 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 6 người. Trong đó có 1 vụ, làm 3 người chết tại khu vực cầu Vó (lối rẽ vào xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô); 1 vụ, 2 người chết; 1 vụ, 1 người chết cùng tại điểm gốc gạo trong 2 ngày liên tiếp tại khu vực chợ Chiều - thị xã Tam Điệp. Hầu hết số vụ TNGT đường sắt đều xảy ra ở những điểm giao cắt với đường dân sinh, do nhân dân tự mở. Người bị tai nạn chủ yếu là người già và trẻ em hoặc những người từ địa phương khác đến, thiếu ý thức cảnh giác khi sang đường.
Những điểm đen đường sắt
Tìm hiểu thực trạng giao thông đường sắt Ninh Bình, chúng tôi được biết: Với chiều dài gần 22 km đường sắt chạy qua, Ninh Bình chỉ được phép mở 22 đường giao cắt chính thống, trong đó có 11 đường có người gác và barie. Còn lại là hệ thống biển báo và đèn tín hiệu.
Thế nhưng trên thực tế lại có thêm 74 điểm giao cắt do nhân dân tự mở. Có điểm vào tới một vài thôn, 1 xã, nhưng cũng có những điểm chỉ vào tới vài hộ gia đình. Tại những điểm giao cắt này thường không có hệ thống đèn tín hiệu, biển báo hoặc người cảnh giới, do đó rất nguy hiểm cho người qua đường. Một số khu vực được coi là "điểm đen" của đường sắt như: Khu ga Cầu Yên (từ Km 120+100 đến Km 120+400); khu vực cầu Vó rẽ vào xã Khánh Thượng: Cao độ lớn, góc cua hẹp, đường sắt và đường bộ tiếp giáp nhau; khu vực rẽ vào phường Ninh Phong (Tp. Ninh Bình) dù là đường được phép mở nhưng tầm nhìn hạn chế, độ dốc qua đường tàu chưa đảm bảo an toàn; đường rẽ vào Trường Công nhân cơ giới (Tx. Tam Điệp), đường rẽ vào xã Ninh An (Hoa Lư)… có nhiều người qua lại nhưng lại không có người cảnh giới. Đặc biệt, đoạn đường sắt khu vực Gốc Gạo (phường Trung Sơn, Tx. Tam Điệp) có độ dốc lớn và cong, tầm nhìn bị che khuất cũng là một điểm đen cần khắc phục.
Đường sắt cắt ngang QL1A (đoạn ga Cầu Yên) tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT
Để hạn chế thiệt hại do tai nạn đường sắt? Đối với tỉnh Ninh Bình, vấn đề này càng trở nên nan giải, cấp thiết hơn khi hầu hết tuyến đường sắt lại chạy song song với Quốc lộ 1A, đi qua các khu dân cư, theo đó cũng có rất nhiều đường ngang mở trái phép, thiếu các điều kiện an toàn. Đây cũng chính là nguyên nhân của các vụ tai nạn đường sắt. Để giải quyết thực trạng này, cần có sự quan tâm, đồng lòng, đồng sức của các cấp, các ngành, các địa phương có tuyến đường sắt chạy qua. Theo lộ trình của ngành Đường sắt, đến năm 2015, toàn bộ tuyến đường sắt chạy qua khu dân cư sẽ được làm hàng rào bảo vệ, những tuyến đường ngang do nhân dân tự mở sẽ bị xóa bỏ. Mới đây, bảo hiểm đường sắt cũng đã xây dựng dự án mở đường gom, làm hàng rào phân cách tại khu vực phường Trung Sơn (thị xã Tam Điệp), dài khoảng hơn 500 m, tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Tại điểm giao cắt vào Trường Cao đẳng cơ giới, ngành Đường sắt cũng có cam kết hỗ trợ 450 triệu đồng để đầu tư xây dựng hệ thống cảnh giới... Tuy nhiên, cho đến nay tất cả dự án, cam kết trên ngày càng chưa được thực hiện, trong khi đó số vụ tai nạn giao thông đường sắt vẫn tiếp tục tăng. Về phía tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh một mặt cũng đã có văn bản đề nghị Tổng Công ty Đường sắt có biện pháp xóa bỏ đường ngang tự phát, mặt khác chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, chuẩn bị tốt cho công tác giải tỏa hành lang đường sắt phục vụ dự án làm hàng rào bảo vệ của ngành Đường sắt. Vừa qua, sau khi xảy ra một số vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng, một số địa phương cũng đã quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo. Thị xã Tam Điệp giao cho phường Trung Sơn khảo sát, mở tạm tuyến đường gom, chạy song song với đường sắt và đi ra ở một điểm giao cắt hợp pháp, nhằm khắc phục điểm đen Gốc Gạo. Huyện Yên Mô cũng đã chỉ đạo xã Mai Sơn xây chặn, xóa bỏ điểm đen cầu Vó đi vào xã Khánh Thượng... Tuy nhiên, đến nay đường gom ở Trung Sơn mới ở giai đoạn khảo sát, còn việc xây chặn đường dân sinh vào xã Khánh Thượng đã bị người dân phản đối, phá hủy, bởi họ không chịu được cảnh "gần nhà nhưng xa ngõ". Cũng qua tìm hiểu thực tiễn, chúng tôi được biết, từ năm 2003 đến 2007, ngành Đường sắt đã có hỗ trợ kinh phí để một số nơi có đường sắt chạy qua tổ chức việc cảnh giới với số tiền 400.000 đồng/điểm, nhưng từ năm 2008, nguồn kinh phí này đã bị cắt. Có thể nói, việc tổ chức người cảnh giới là biện pháp khá hiệu quả, nhất là trong thời điểm chúng ta chưa có điều kiện làm dải phân cách, mở đường gom, hệ thống báo hiệu tự động. So với vấn đề an toàn giao thông, số tiền hỗ trợ như trên không lớn, song hiện nay hầu như chưa có xã nào, huyện, thị nào trích kinh phí để làm việc này.
Như vậy, các biện pháp đưa ra nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt đến nay vẫn chưa được triển khai. Một phần còn mắc về vốn, phần chưa thống nhất được cách làm, phần nữa cũng còn do tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một số địa phương. Thiết nghĩ, an toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà, vì vậy rất cần có sự vào cuộc một cách có trách nhiệm của các cấp, các ngành chức năng với những giải pháp phù hợp, mang tính khả thi và đồng bộ, nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông đường sắt có thể xảy ra.
Hà Trang