Suốt từ trưa cho đến đêm tối, phố luôn tấp nập, nhộn nhịp người- xe tìm đến với các món ăn chế biến từ thịt vịt với những cái tên hấp dẫn: vịt cỏ đồng quê, vịt quay Lạng Sơn, vịt cỏ Vân Đình... Một lần đến với phố "vịt" không phải với tư cách là một thực khách, mà là một thành viên của đoàn kiểm tra liên ngành nhân "tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm", cảm giác mà chúng tôi cảm nhận được ở một vài nhà hàng mà đoàn "ghé thăm" là: Lo ngại với quy trình và công nghệ giết mổ, chế biến vịt.
Thời điểm đoàn liên ngành đến kiểm tra Nhà hàng vịt cỏ đồng quê có tên gọi "T.C" ở số nhà 79, đường Đinh Tiên Hoàng (phường Đông Thành- Tp.Ninh Bình) là hơn 8 giờ sáng. Lúc này vịt đã được cắt tiết, đang chuẩn bị làm lông. Thấy đoàn kiểm tra, chủ nhà hàng vội vàng giấu nồi nước nóng để nhúng vịt vào một góc. Khi nồi nước được đưa ra để kiểm tra, ai nấy đều giật mình vì sực mùi nhựa thông. Hóa ra, nhà hàng cho nhựa thông vào nồi nước nhúng vịt để khi tuốt lông được nhanh, sạch. Hơn hai chục con vịt trắng phau phau được đặt ngay dưới sàn nhà đen xì, ngay cạnh là nước thải lênh láng khắp nơi. Cả vịt còn sống cũng được nuôi nhốt ngay cạnh đó. Kiểm tra nhanh tại nhà hàng, trong tủ lạnh có mấy ca đựng tiết canh, tiết vịt chảy lênh láng, dính đầy vào những thanh đá trong tủ. Khi được yêu cầu nói rõ về những gói phụ gia thực phẩm, chủ nhà hàng chối quanh co. Mãi sau, biết không thể giấu được, chủ nhà hàng đành phải giải trình cụ thể từng gói: Nào là bột hạt điều để bôi vào vịt quay cho màu thịt đẹp, loại bột dùng để đánh tiết canh cho đông, loại bột có hình thức giống như hạt nêm được dùng thay cho mì chính, làm vịt đậm đà hơn... Chủ nhà hàng không thể xuất trình được nguồn gốc xuất xứ hay nhãn mác của các phụ gia kể trên. Kiểm tra bằng test nhanh, các chất dùng trong chế biến thịt vịt của nhà hàng đều không phải là phụ gia thực phẩm, mà có dấu hiệu của phụ gia bằng hóa chất. Mọi người trong đoàn đều choáng váng vì nếu không tận mắt chứng kiến "công nghệ" chế biến vịt ở nhà hàng T.C, chắc chắn món vịt quay ở đây vẫn còn là món ăn hấp dẫn. Đến lúc này thì chủ nhà hàng mới chịu nói rõ về nguồn gốc của các phụ gia kia được mua ở một cơ sở gần chợ Rồng. Sai phạm của nhà hàng này thì quá rõ, chỉ có điều là mặc dù nhà hàng này hoạt động đã vài năm nay, năm trước đã có đoàn kiểm tra liên ngành của Tp.Ninh Bình đến kiểm tra nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Chưa kể, chủ nhà hàng cũng không thể xuất trình nổi bất kỳ một giấy tờ nào về đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về VSATTP, giấy khám sức khỏe của người kinh doanh... mà vẫn ngang nhiên hoạt động bình thường thì rõ ràng trách nhiệm quản lý Nhà nước của địa phương đối với cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm này cần phải được làm rõ.
Tiếp tục sang một nhà hàng khác ngay gần đó, mặc cho thời tiết nắng nóng, khói, bụi của xe cộ qua lại, vịt quay, vịt luộc, lòng, mề chín được bày bán ngay sát lề đường, không có tủ kính hay vật dụng gì để che đậy, bảo quản. Vậy nhưng, khách vào quán khá đông và vô tư ngồi ăn hoặc tấp xe lại mua vịt mang về. Vào trong bếp, tuy có diện tích khiêm tốn độ hơn chục mét vuông thì có đến 50- 60 con vịt đã làm sạch lông để ngổn ngang dưới đất và đang được 4-5 người vừa mổ, vừa làm bộ lòng. Tất cả đều sử dụng chung sàn nhà đen xì làm nơi để sản phẩm. Ngay cả vịt đã quay chín vàng rộm cũng được đặt trong một cái rổ, đặt dưới gầm của chạn bát. Nào măng tươi, dưa góp.... cũng đặt ngay sẵn gần đám vịt vừa làm sạch lông để kịp thời phục vụ khách hàng. Hỏi về nguồn gốc của lũ vịt, chủ nhà hàng cho biết: Vịt được mua từ một trang trại ở Ninh Khang (Hoa Lư) và làm sạch lông ở đó. Nghe đến đây, bất giác lại nghĩ đến "công nghệ" làm sạch lông ở bên nhà hàng T.C, ai nấy đều thấy "lạnh sống lưng". Chưa kể, có ai dám chắc những con vịt này đã được kiểm dịch để đảm bảo không nhiễm dịch bệnh khi phục vụ người tiêu dùng?
Rời khỏi phố "vịt", chúng tôi đều trăn trở về nguồn gốc xuất xứ của những phụ gia thực phẩm "chết người" kia và quyết tâm làm một chuyến đến thăm nơi cung cấp là cơ sở L.L ở ngay trước cửa chợ Rồng. Đây là địa chỉ cung cấp các phụ gia thực phẩm lớn nhất Ninh Bình cho nhiều nhà hàng, cơ sở chế biến thức ăn chín như kem, chè, bún, phở, thịt vịt, thịt lợn... Quả thật, ở đây bày bán không thiếu thứ gì dùng trong chế biến thực phẩm. Nào là bột hương liệu đủ vị dùng trong chế biến chè, kem, bột nghệ, bột hạt điều dùng trong chế biến thịt vịt, bột vị phở... không thể thống kê được có bao nhiêu phần trăm mặt hàng được bày bán tại đây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng theo quy định của nhà nước, chỉ biết rằng, có khá nhiều sản phẩm quá hạn sử dụng, không tem nhãn. Theo lý giải của chủ cửa hàng thì hàng hóa đều do miền Nam sản xuất, chứ không phải hàng Trung Quốc. Nói vậy nhưng lại không xuất trình được bao bì sản phẩm. Còn đối với những sản phẩm quá hạn vẫn bày bán là do quên chưa bỏ đi...
Dù không làm trong lĩnh vực VSATTP thì hầu như ai cũng biết những phụ gia được làm từ hóa chất dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm bị cấm bởi đây là những hóa chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà cụ thể là nguyên nhân gây nên căn bệnh ung thư cho người sử dụng. Vậy nhưng, vì lợi nhuận mà vẫn còn những cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm coi thường các quy định của pháp luật và đang hàng ngày, hàng giờ "giết" dần, "giết mòn" đồng loại của mình thông qua các hành vi sai trái. Sai phạm của các cơ sở kể trên đã có cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Chỉ biết rằng, đối với người tiêu dùng, nếu không hiểu biết đầy đủ về việc đảm bảo VSATTP đối với sức khỏe của bản thân và gia đình, rất dễ trở thành nạn nhân của những món ăn chứa đầy phụ gia hóa chất độc hại.
Lý Nhân