Trong không khí rộn ràng của Tuần Du lịch Ninh Bình 2008, du khách thập phương về dự Lễ hội dường như đông hơn, vừa để thăm lại vùng đất linh thiêng, nơi phát tích 3 đời vua của nước Việt (Đinh - Tiền Lê - Lý), vừa để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của non nước Ninh Bình.
Vang mãi bản hùng ca
Bước chân đến mảnh đất Cố đô, du khách có thể cảm nhận ngay không khí của ngày hội với những sắc màu của cờ, hoa, băng zôn. Dòng người từ khắp nơi nối tiếp nhau tìm về với vùng đất Cố đô Hoa Lư tưởng như không ngớt. Từ xa đã nhìn thấy cờ hội được cắm trên đỉnh Mã Yên. Theo dòng người trẩy hội, chúng tôi tìm về Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư để một lần nữa hồi tưởng lại một thời "Hào kiệt bốn phương quần tụ lại/Trời nam đã thống nhất lần đầu/Lịch sử vạn năm như ngưng đọng/Linh thiêng hào khí đất Hoa Lư".
Khi trời còn mờ hơi sương, tại sân hội, người dân trong huyện Hoa Lư đã tập trung đông đủ để chuẩn bị cho Lễ rước nước. Giờ phút linh thiêng của ngày khai hội đã điểm, mùi hương trầm trong đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng lan tỏa tạo không khí trang nghiêm, trầm mặc gợi nhớ về một quá khứ hào hùng của vị vua lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên.
Ông Lưu Thế Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết: "Lễ hội năm nay do huyện Hoa Lư tổ chức, là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng của Tuần Du lịch Ninh Bình, vì vậy sẽ được tổ chức hoành tráng hơn. Chúng tôi muốn đem lại cho du khách một ấn tượng đẹp về Cố đô Hoa Lư thông qua lễ hội truyền thống". Nét đặc sắc nhất của Lễ hội Hoa Lư chính là Lễ rước nước. Đây là nghi lễ thể hiện rõ nét tập quán cư dân nông nghiệp lúa nước và cũng là biểu tượng "Uống nước nhớ nguồn" của người dân Việt Nam. Lễ rước nước năm nay được tổ chức với quy mô lớn, huy động kiệu của 3 xã Ninh Hòa, Ninh Xuân, Ninh Giang và số lượng người dân tham gia cũng đông hơn.
Sau khi đoàn rước nước trở về, tại sân khấu của Lễ hội sẽ diễn ra Lễ khai hội. Từ mảnh đất Hoa Lư lịch sử, trong Lễ hội này, mọi người lại cùng nhau hướng về Hà Nội theo mạch chảy của lịch sử vàng son "Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội" qua tiếng trống hội của Nhà hát chèo Hà Nội. Hòa cùng tiếng trống hội là hình ảnh cờ bay như mây vờn ngũ sắc, núi quyện hơi sương, sông mờ khói biếc, tất cả như đang hồi tưởng về một thời hào hùng của lịch sử dân tộc cách đây 1040 năm.
Sau màn trống hội là chương trình sân khấu hóa với 5 hoạt cảnh: Cờ lau tập trận và khao quân; Rồng thiêng cứu Chúa - Ngọc đế vương ứng ngôi thiên tử; Lễ xưng Vương; trao ấn kiếm, trao áo long bào cho Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn; ban chiếu dời đô. Tất cả như đang gợi nhớ về một thời hoang sơ lịch sử dựng nước của cha ông ta. Từ truyền thuyết cờ lau tập trận đến tôn vinh bản lĩnh giống như một dự cảm cho tương lai của người sẽ đứng đầu thiên hạ: "Cuộc cờ dân gian bắt đầu từ trò chơi dân dã/Xuất hiện một mục đồng dĩnh ngộ/Lấy bông lau trắng muốt làm cờ/Lấy trâu cày làm ngựa chiến tranh đua/Lấy sườn non tạo thành trận địa/Đất thiêng ban chí anh hùng/Cờ lau dựng nghĩa đất rừng Hoa Lư/Hào hùng trang sử nghìn xưa/Nêu gương dũng liệt ngọn cờ vua Đinh".
"Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mở hội thì về Trường Yên"
Những ngày này, người dân Trường Yên dù đang ở đâu lòng cũng hướng về quê hương. Cụ Nguyễn Văn Tố cho biết: "Đây là lễ hội truyền thống của quê tôi, nên dù ở đâu thì đến ngày này tôi vẫn không thể quên về dự Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư".
Không khí rộn ràng đông vui của những ngày diễn ra lễ hội làm thay đổi hẳn sự lặng lẽ thường ngày của mảnh đất này. Người, xe đông đúc nối đuôi nhau như mắc cửi. "Đã 10 năm tôi mới có dịp được tham dự lễ hội ở nơi mình đã sinh ra, tôi cảm thấy rất xúc động. Năm nay, lễ hội được tổ chức rất hoành tráng", anh Nguyễn Văn Việt (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói với chúng tôi như thế. Niềm vui ấy không chỉ của riêng anh Việt mà nó còn được thể hiện qua nét mặt tươi vui của người dân nơi đây và cả trong ánh mắt háo hức khi tham gia những trò chơi dân gian của các tầng lớp nhân dân khi về dự hội.
Trải trên ngàn năm lịch sử, Cố đô Hoa Lư ngày nay vẫn sáng mãi với tên tuổi Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn, Lý Thái Tổ. Hoa Lư mảnh đất quật cường, anh dũng trong chiến đấu và xây dựng - Hoa Lư kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền Việt Nam. Đinh Tiên Hoàng đế đã có công khởi đầu khai phá, đặt nền móng cho nước Đại Việt xưa, để cháu con thế hệ hôm nay cảm nhận được trang sử hào hùng ấy, tiếp bước truyền thống cha anh, giữ gìn và xây dựng Cố đô Hoa Lư xưa thành một thành phố phát triển và vững bước trên con đường hội nhập.
Linh Nhi