Tuy nhiên, trên thực tế việc liên kết này mới chỉ dừng lại trong phạm vi với các trường đại học, cao đẳng khác. Hình thức liên kết đào tạo với các doanh nghiệp vẫn chưa nhiều và chưa thực sự chặt chẽ mặc dù hoạt động này được đánh giá là mang lại hiệu quả cho cả 3 phía: nhà trường, học sinh và doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, nắm bắt được yêu cầu về mở rộng ngành nghề đào tạo nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của thị trường và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện có, một số trường như: Cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình, Cao đẳng nghề Lilama 1… đã chủ động tìm kiếm, hợp tác với các trường ở những địa phương lân cận (Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội). Theo đó, nhà trường phụ trách việc quản lý học sinh và tổ chức địa điểm học, phía đối tác cung cấp giáo trình, bố trí giáo viên về dạy. Quá trình hợp tác đã cho thấy hiệu quả thiết thực với việc đào tạo được hàng trăm công nhân có tay nghề cao và nhiều giáo viên giỏi.
Trong năm 2009, Trường Cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình tiếp tục đào tạo ngành kế toán doanh nghiệp (liên kết với Trường Đại học Lương Thế Vinh - Nam Định), đào tạo kỹ sư công nghệ ngành cơ khí, điện kỹ thuật và giáo viên dạy nghề bậc đại học (liên kết với Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên). Gần đây nhất nhà trường phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội mở thêm ngành kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ khách sạn - nhà hàng, góp phần cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho nhiều dự án du lịch của địa phương.
Đối với Trường Cao đẳng nghề Lilama 1, việc liên kết đào tạo có phần đa dạng và linh hoạt với nhiều ngành nghề, nhiều đối tượng học viên (học sinh, công nhân vừa học, vừa làm), mỗi lớp có khoảng 50 học sinh trở lên, trong đó học sinh là người địa phương chiếm đa số. Trước mỗi đợt mở lớp mới, nhà trường thông báo với các công ty thành viên xem xét nhu cầu thực tiễn để gửi công nhân theo học.
Thực tế đó phần nào cho thấy việc đào tạo được xuất phát chủ yếu từ điều kiện sẵn có của Nhà trường chứ chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác, liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng khác khó có thể giải quyết được những khó khăn về thiết bị kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới do kinh phí quá lớn.
Hiện nay, thầy trò Trường Cao đẳng nghề Lilama 1 vẫn phải dạy, học và thực hành theo chương trình cũ với máy móc lạc hậu từ những năm 60-70 của thế kỷ trước. Trong khi đó các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật công nghệ mới. Vì vậy, nhiều học sinh gặp khó khăn để bắt nhịp với công việc sau khi tốt nghiệp.
Trước đây, việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp thường được thực hiện trên phương diện đưa học sinh về thực tập tại doanh nghiệp, sau khi tốt nghiệp họ có cơ hội về làm việc tại các đơn vị đó. Với những hợp tác "mật thiết" hơn, có một số doanh nghiệp đến tận trường để tuyển công nhân nhưng con số này chưa nhiều. Hiện nay theo xu hướng chung, các trường có mong muốn liên kết với doanh nghiệp theo hình thức doanh nghiệp cung cấp, tài trợ một phần kinh phí đào tạo thông qua trang thiết bị máy móc, học bổng hoặc tham gia xây dựng chương trình phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh và nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, hạn chế việc đào tạo lại.
Tuy nhiên, thầy giáo Trần Hữu Hòa, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình cho biết: Hiện tại mong muốn này khó có thể thực hiện được vì các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên tiết kiệm tối đa các chi phí bỏ ra. Không ít doanh nghiệp tiến hành tuyển công nhân, sau đó gửi vào trường đào tạo thêm nhưng học phí do người lao động tự chi trả. Trường Cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình hiện đang hợp tác với 4 doanh nghiệp, mỗi năm giúp đào tạo và giải quyết việc làm cho khoảng 100-150 công nhân.
Trong một số trường hợp, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường chưa thể sẵn sàng cho việc hợp tác. Vừa qua Trường Cao đẳng nghề Lilama 1 đã tìm được đối tác liên kết đào tạo ngành du lịch nhưng lại gặp khó khăn khi thiếu phòng học. Do đó, kế hoạch này vẫn chưa được triển khai. Những hình thức hợp tác khác thông qua các công ty chuyên kinh doanh thiết bị công nghệ, công ty xuất khẩu lao động… chưa đem lại hiệu quả cao do còn thiếu độ tin cậy và có nhiều điều kiện ràng buộc không phù hợp.
Yêu cầu cơ bản của việc đào tạo nghề là có đầy đủ thiết bị kỹ thuật, công nghệ (hạn chế tình trạng dạy "chay") từ đó giúp học sinh khỏi bỡ ngỡ khi ra ra trường. Vì vậy, ngoài việc tiếp nhận sự đầu tư của Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cần có nhiều nỗ lực trong hợp tác đào tạo để giảm bớt khó khăn trên.
Duy Hiền