Phát biểu trước các thành viên của Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký Ban Ki-Moon cho biết: "Trong quá khứ, chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực được thực hiện để đạt được hòa bình toàn diện và đàm phán dựa trên một giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, thay vì hòa bình, đã có nhiều thập kỷ những cơ hội bị bỏ lỡ và thất bại dẫn đến tổn thất rất lớn về con người. Triển vọng về một giải pháp hai nhà nước tiếp tục giảm, với những hậu quả tiềm tàng có thể bùng nổ".
Theo ông, "cộng đồng quốc tế phải nỗ lực nhiều hơn nữa để khuyến khích nối lại các cuộc đàm phán sẽ chấm dứt gần một nửa thế kỷ chiếm đóng và cho phép hai quốc gia, Israel và Palestine, cùng chung sống trong hòa bình và an ninh". Tổng thư ký Ban Ki-moon khích lệ các cuộc thảo luận hiện nay giữa các nước thành viên và nói thêm rằng Liên hợp quốc cam kết hỗ trợ các nỗ lực này. "Cả hai bên đều đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn" - ông nói, đồng thời nhấn mạnh "quá nhiều mạng sống đã bị mất, quá nhiều gia đình đã bị phá hủy, quá nhiều phương tiện sinh sống đã bị phá vỡ, và quá nhiều sự mất lòng tin đã được gieo rắc".
Theo Tổng thư ký, đã đến lúc hai bên phải chứng tỏ quyết tâm và can đảm cần thiết nhằm xác định một con đường khả thi để có một tương lai tốt hơn.
Ông Ban Ki-moon cũng khuyến khích chính phủ mới của Israel sẽ được hình thành trong những tuần tới nhằm tái khẳng định cam kết của nước này hướng đến một giải pháp hai nhà nước và thực hiện các bước đi đáng tin cậy để nuôi dưỡng một môi trường cho phép nối lại các cuộc đàm phán đáng kể, trong đó có việc chấm dứt hoạt động xây dựng các khu định cư Do Thái.
Người đứng đầu Liên hợp quốc đồng thời hoan nghênh thỏa thuận đạt được hồi tuần trước giữa Chính quyền Palestine (PA) và chính phủ Israel, theo đó Tel Aviv đồng ý chuyển toàn bộ hơn 470 triệu USD tiền thuế thu hộ PA.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng đình chỉ thường xuyên việc chuyển giao thu nhập như vậy là cản trở sản xuất; đồng thời thúc giục các bên tìm một giải pháp lâu dài cho việc thu thuế.
Tiến trình hòa bình Trung Đông bị đình trệ từ tháng 4/2014 sau 9 tháng nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận cuối cùng không đem lại hiệu quả. Trong bài phát biểu trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Israel diễn ra ngày 17/3 vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định sẽ không chấp nhận việc thành lập nhà nước Palestine độc lập sau khi ông thắng cử. Ngày 1/4, Palestine cũng đã chính thức trở thành thành viên của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) nhằm mở đường cho các biện pháp pháp lý chống lại Israel. Các động thái này đã phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa Palestine và Israel, vốn trở nên xấu đi kể từ cuộc xung đột quân sự tại Gaza hồi tháng 7 năm ngoái.
Theo Dangcongsan.vn