Đến thời điểm hiện tại đã có nhiều đoàn tuyển, câu lạc bộ, nhóm Xẩm của cả nước đăng ký tham gia như: Trung tâm âm nhạc truyền thống Thăng Long, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy âm nhạc dân tộc, nhóm Xẩm Xuân Hoạch, CLB Dân ca Làng Mọc Quan Nhân (Hà Nội), Chiếu Xẩm Hải Thành (Hội Văn Nghệ dân gian Hải Phòng), Câu lạc bộ Còn Duyên (Vĩnh Phúc), Câu lạc bộ Xẩm dân gian Đất Việt (Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh), nhóm Văn nghệ Quỳnh Phụ (Thái Bình), Trung tâm văn hóa tỉnh Nam Định, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh, Nhóm Xẩm Mê Linh và dự án Chèo 48h (Hà Nội)... Nhiều làn điệu xẩm truyền thống đã được các câu lạc bộ đăng ký dự thi như: Xẩm chợ, Xẩm tàu điện, Huê tình trinh bong, Huê tình diềm huê, Hà liễu, Thập ân, Ba bậc... Về phía tỉnh Ninh Bình- quê hương của nghệ thuật hát Xẩm, hiện có rất nhiều câu lạc bộ hát Xẩm trong toàn tỉnh muốn tham gia, tuy nhiên, ngành Văn hóa tỉnh đã lựa chọn 2 câu lạc bộ Xẩm của huyện Yên Mô, nơi quê hương của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu tham dự liên hoan.
Theo ông Nguyễn Văn Lĩnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm, hát văn xã Yên Nhân (Yên Mô) Câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm, hát văn xã Yên Nhân có một số thành viên được chọn tham gia Liên hoan hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc - Ninh Bình năm 2019. Các thành viên câu lạc bộ sẽ đăng ký tham dự liên hoan với tiết mục xẩm lời mới được soạn theo làn điệu Xẩm Thập Ân mang tên "Theo Đảng trọn đời" tác giả chính là cố nghệ nhân Hà Thị Cầu soạn lời. Tiết mục dự thi do nghệ sỹ Phạm Minh Hạnh trình diễn cùng nhóm Xẩm với 6 thành viên của câu lạc bộ. Cũng theo ông Nguyễn Văn Lĩnh, ngay khi nhận được tin nhóm xẩm của câu lạc bộ được chọn tham dự liên hoan hát Xẩm, nhiều thành viên câu lạc bộ đã tỏ ra rất phấn chấn. Hiện tại, nhiều thành viên câu lạc bộ như: Phạm Minh Hạnh, Đỗ Văn Nguyện, Trần Thúy Lừng, Nguyễn Thị Lý, Mai Thị Sợi, Lê Thị Vân... dành thời gian vào các buổi chiều tập luyện tiết mục dự thi. Với vinh dự là những người con vùng quê Xẩm Yên Mô, các thành viên câu lạc bộ quyết tâm tập luyện với mong muốn sẽ thể hiện thật tốt tiết mục Xẩm của mình, khẳng định là những truyền nhân kế thừa di sản của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu truyền lại". Được biết, ngoài tiết mục dự thi của các nghệ sỹ xẩm Yên Nhân thì câu lạc bộ Xẩm xã Yên Phong, quê hương của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng được mời tham dự với 2 tiết mục. Có thể nói, Liên hoan hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc là cơ hội hiếm có đối với những người yêu mến nghệ thuật hát Xẩm, do vậy, hiện tại thành viên 2 câu lạc bộ Yên Phong, Yên Nhân đang chạy đua tập luyện, chuẩn bị kỹ càng cho liên hoan này.
Trở lại câu chuyện cách đây không lâu khi cố nghệ nhân, NSƯT Hà Thị Cầu ra đi, nhiều người đã tỏ ra lo lắng việc nghệ thuật hát xẩm sẽ thất truyền. Tuy nhiên, với nỗ lực của tỉnh Ninh Bình, nghệ thuật hát xẩm không những không thất truyền mà còn hồi sinh mạnh mẽ, lan tỏa rộng rãi trong quần chúng nhân dân, trở thành thứ "đặc sản tinh thần" riêng có của Ninh Bình. Tại các lớp hát chèo, hát xẩm, hát văn được Trung tâm văn hóa tỉnh mở tại huyện Yên Mô, Kim Sơn có tới hàng trăm học viên đăng ký theo học môn hát xẩm. Ngoài ra tại nhiều địa phương trong tỉnh đều có câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống với nhiều người yêu thích và kết duyên với hát xẩm. Điều đó cho thấy những di sản mà "báu vật nhân văn sống" trao truyền lại đã được lớp người sau hết sức nâng niu, trân trọng.
Bài, ảnh: Mai Phương