Dự hội thảo có đồng chí Đinh Ngọc Hà, TUV, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; Ban chấp hành Liên hiệp Hội; Chủ tịch các hội thành viên thuộc Liên hiệp Hội, các nhà khoa học và một số cán bộ trí thức đã nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, trên tinh thần phát huy trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các đại biểu đã tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thắng thắn, trách nhiệm vào nhiều vấn đề được đề cập trong Dự thảo.
Trong đó tập trung vào các nội dung như: lời nói đầu, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Chủ tịch nước…
Các ý kiến đều tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội như trong Điều 4 và đề nghị thêm vào cuối khoản 1 cụm từ "được nhân dân đề nghị và suy tôn là Đảng lãnh đạo duy nhất đối với Nhà nước và xã hội"; đề nghị viết thêm vào Điều 21 cụm từ "quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" như bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết.
Các ý kiến đều nhất trí với khoản 2 điều 9 Dự thảo và đề nghị cần thêm "tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn, nói và viết tiếng Việt", vì đây là cơ sở để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Có ý kiến cho rằng phần lời nói đầu còn dài có ý trùng lặp, chưa chặt chẽ cần phải súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu và nêu được những vần đề cốt lõi, mang tính cương lĩnh của Hiến pháp.
Ngoài ra, các đại biểu cũng giành nhiều thời gian tham gia đóng góp về vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ; về nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân; Tòa án nhân dân, MTTQ và các tổ chức thành viên…
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đại biểu, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổng hợp đầy đủ và gửi về Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Hiến pháp năm 1992 của tỉnh theo quy định.
Thùy Phương-Thế Minh