Hiện nay, toàn huyện Yên Mô có 7.500 CNVCLĐ đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Tổng số CĐCS trực thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Yên Mô là 98 CĐCS với 6.454 đoàn viên, chiếm 86,05% so với tổng số CNVCLĐ huyện.
Tại Đại hội IV công đoàn huyện Yên Mô nhiệm kỳ 2013-2018 đã xác định mục tiêu trong nhiệm kỳ sẽ thành lập từ 3 đến 5 CĐCS và phát triển 200 đoàn viên công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Bám sát kế hoạch, chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, hàng năm LĐLĐ huyện ban hành kế hoạch về vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và phân công rõ trách nhiệm của cán bộ cơ quan LĐLĐ huyện.
Để hoàn thành được chỉ tiêu, LĐLĐ huyện đã năng động, sáng tạo tìm ra các giải pháp tuyên truyền hiệu quả, thiết thực. Theo đó, LĐLĐ huyện tham gia vào Đoàn khảo sát của Huyện ủy Yên Mô về việc thành lập CĐCS, nắm bắt tình hình công nhân lao động của 10 doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, LĐLĐ huyện cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các chương trình giao lưu, đối thoại, hướng dẫn, tư vấn tuyên truyền kiến thức pháp luật lao động cho công nhân lao động. Đặc biệt, LĐLĐ huyện đã bám sát và căn cứ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, số lượng lao động, loại hình doanh nghiệp, địa bàn hoạt động của doanh nghiệp để lựa chọn phương pháp làm việc, tuyên truyền cho người lao động, người sử dụng lao động được biết về tổ chức công đoàn, vai trò của công đoàn trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Mô thì mặc dù đã đa dạng các hình thức tuyên truyền, nhưng từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, sẽ không có một phương pháp tuyên truyền nào hiệu quả bằng việc bản thân tổ chức công đoàn chứng minh được hiệu quả hoạt động, thực sự hướng về cơ sở, là "điểm tựa" vững chắc để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đối thoại, giải quyết sớm những vướng mắc phát sinh với người lao động, từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Với phương châm đó, những năm qua, LĐLĐ huyện Yên Mô đã có nhiều hoạt động nổi bật, hướng về người lao động. Cụ thể, trong dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, LĐLĐ huyện đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động xây dựng kế hoạch chăm lo Tết và công khai mức thưởng Tết cho người lao động; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc chi trả lương, thưởng Tết và các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Các đơn vị đều có thưởng Tết cho CNLĐ, mức bình quân là 1,6 triệu đồng/ người, cao nhất là 4 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng. Do triển khai sớm kế hoạch chăm lo Tết cho CNVCLĐ nên các cấp công đoàn đã chủ động tập hợp danh sách, phân loại các đối tượng CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn để thăm hỏi kịp thời. Các CĐCS đã đa dạng hình thức công tác xã hội hướng về người lao động. Các cấp công đoàn đã đi thăm và trao tặng 120 suất quà cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 58 triệu đồng. LĐLĐ huyện tổ chức Chương trình "Tết sum vầy 2017" tại 3 CĐCS: Trung tâm VSMT Đô thị huyện Yên Mô, Công ty TNHH MTV Đầu tư & Xây dựng Toàn Thành, Công ty TNHH May HK với 900 CNLĐ tham dự; chỉ đạo 9 CĐCS khối doanh nghiệp tổ chức Chương trình "Tết sum vầy 2017"… Đặc biệt, nhiều chương trình giao lưu đối thoại hay các buổi hội diễn văn nghệ chào mừng các ngày lễ, tết, LĐLĐ huyện chọn các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn để làm nơi tổ chức. Qua đó, giúp chủ doanh nghiệp, người lao động hiểu hơn về vai trò của tổ chức công đoàn, từ đó chủ động có kế hoạch thành lập CĐCS. Ngoài ra, các cấp công đoàn cũng tích cực trong việc tham mưu cho doanh nghiệp thực hiện mức điều chỉnh mức lương cơ bản tại vùng IV (huyện Yên Mô) là 2.580.000đồng/người/tháng và 2.760.600đồng cho CNLĐ đã qua học nghề...
Các cấp Công đoàn cũng đã chủ động tham gia với chính quyền, bố trí, sắp xếp công việc hợp lý, tạo điều kiện để CNVCLĐ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, nâng cao tay nghề đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Một số CĐCS doanh nghiệp tích cực tham gia, đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức cho công nhân được học nghề, đào tạo lại nghề. Điển hình như các CĐCS: Công ty TNHH May HK, Trung tâm VSMT Đô thị huyện, DNTN Hoàng Bá... Hiện nay toàn huyện có khoảng 479 cán bộ, CNVCLĐ (chiếm 13,2%) được cử đi học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị từ trung cấp đến đại học; có gần 20% công nhân được học nghề, được bồi dưỡng nâng cao tay nghề.
Với những nỗ lực không ngừng đó, từ năm 2013 đến năm 2017, LĐLĐ huyện Yên Mô đã thành lập được 8 công đoàn cơ sở và phát triển được 3876 đoàn viên công đoàn, vượt 3 CĐCS và 3.676 đoàn viên công đoàn so với chỉ tiêu Đại hội IV đề ra.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng