Cụ thân sinh là người học hành thành đạt, chế độ phong kiến vời ra làm quan nhưng cụ khước từ để về làng mở trường dạy học cho trẻ thơ. Cụ hay làm thơ và thơ của cụ luôn mang nặng nỗi niềm của một người dân mất nước phải sống kiếp nô lệ lầm than.
Thân mẫu của Lê Liêu được sinh ra trong một gia đình nho giáo (ông ngoại của Lê Liêu là cụ "Tú kép" nổi tiếng văn thơ của Nghi Lộc). Cụ bà là người hiền thục, tần tảo, hết lòng vì chồng con. Cụ có giọng hát ngọt ngào và lời ru của cụ được rút ra từ Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa... Thuở nhỏ Lê Liêu đã được nghe mẹ ru bằng những câu thơ có giá trị văn chương ấy.
Lê Liêu luôn tự hào vì anh chị em ruột của ông tất cả đều tham gia hoạt động cách mạng. Có người tham gia tự vệ đỏ, tích cực trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Có người đi Nam tiến. Có người trở thành nhà báo, nhà văn như người anh trai thứ tư của ông, Lê Ngọc Quỳ, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động.
Tuy nhiên mỗi lần tâm sự về gia đình ông đều bùi ngùi nói: Cha mẹ tôi sinh được đông anh em chúng tôi lắm. Nhưng hồi ấy gia cảnh khó khăn đã có người sớm ra đi vì đói rét không áo cơm, ốm đau không thuốc men. Ngay đến cha tôi được mọi người gọi là "ông đầu huyện" vậy mà cũng mất do ốm, đói trong cái năm ất Dậu 1945 đầy nghiệt ngã. Vì lẽ đó Lê Liêu ý thức được nếu không có cách mạng, không có Đảng thì cuộc đời của ông sẽ không bao giờ được đứng dậy làm người.
Năm 1992, sau khi tái lập tỉnh Ninh Bình, Lê Liêu gia nhập Hội VHNT tỉnh. Tôi đã được cùng ông tham dự nhiều trại sáng tác VHNT. Một lần tôi cùng ông từ Vũng Tàu đi Thành phố Hồ Chí Minh. Trong chuyến đi ấy Lê Liêu tâm sự với tôi: - Trong bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Đỗ Trung Quân có câu "quê hương mỗi người chỉ một..." nhưng với tôi lại có hai quê hương và quê hương nào với tôi cũng đều yêu dấu, thiết tha cả.
Quê hương thứ nhất của Lê Liêu là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Trong thẳm sâu lòng mình, Lê Liêu luôn canh cánh nỗi nhớ về miền quê nơi "chôn nhau cắt rốn". Nghi Lộc quê ông có bờ biển đẹp, cát trắng, sóng êm. Có những hàng phi lao ngút ngát, có những đồi thông xanh đến nao lòng. Đất Nghi Lộc nghèo nhưng người Nghi Lộc giàu truyền thống yêu nước và hiếu học. Thời kỳ nào Nghi Lộc cũng sinh cho đất nước những nhân sĩ, trí thức tài ba. Họ là những người học hành giỏi, đỗ đạt cao, tài trí phụng sự quê hương, đất nước. Những tên tuổi như Nguyễn Xí, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Đan, Trần Văn Quang... đã làm rạng rỡ truyền thống quê hương. Nghi Lộc còn sinh cho đất nước nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng mà tên tuổi và tác phẩm của họ đã có chỗ đứng vững chắc trong văn học Việt Nam như Nguyễn Đức Đàn, Nguyễn Đức Tiếu, nhà phê bình văn học Hoài Thanh, nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh...
Lê Liêu đã có nhiều bài thơ viết về quê hương Nghệ An của ông, thơ viết về quê hương là nỗi niềm của người con xa xứ lúc nào cũng hướng về quê cha, đất tổ. Những câu thơ như rút ruột mình ra mà có:
"... Nhớ tiếng xe lăn khó nhọc triền đồi
Vị biển mặn gửi vào trong gió nóng
Lối đi về cát bỏng thấm mồ hôi..."
(Nhớ về xứ Nghệ)
Quê hương thứ hai của Lê Liêu là Ninh Bình yêu dấu. Lê Liêu thường nói: - Tôi đã có gần nửa thế kỷ làm việc, sinh sống trên đất Ninh Bình. Tôi là người con rể của đất chiến khu Quỳnh Lưu (vợ ông là người Nho Quan). ở Ninh Bình tôi đã có dịp đến nhiều nơi từ vùng đất cao đến rừng đại ngàn Cúc Phương, về đến vùng đất mở Kim Sơn. Tôi có dịp thâm nhập, tìm hiểu lịch sử, tập quán, nếp sống, tính cách của người Ninh Bình. Tôi mãi ghi nhận những ân tình, nghĩa cử, sự chở che đùm bọc mà bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân Ninh Bình đã dành cho tôi. Mỗi bước tôi đi, mỗi bài thơ, bài văn, bài báo tôi viết đều mang đậm dấu ấn về người và đất Ninh Bình...
Năm 1963, Lê Liêu về Ninh Bình công tác. Lúc ấy Lê Liêu còn rất trẻ, ông đã hăng hái về vùng cửa biển Bình Minh dạy học. Đây là vùng đất sa bồi trẻ, được hàng vạn bộ đội, dân công quai đê, lấn biển xây dựng nông trường. Nhiều người đã định cư ở đây, đó là những anh, chị cán bộ miền Nam tập kết, là thanh niên tình nguyện ở nhiều tỉnh, thành của miền Bắc. Nông trường có trường phổ thông cấp 1+2, ban ngày Lê Liêu dạy học ở trường, buổi tối ông dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ, công nhân.
Bằng nghị lực và nhiệt huyết của tuổi trẻ, được sự giúp đỡ thương yêu của người dân Ninh Bình đã giúp cho Lê Liêu vượt qua những thách thức, khó khăn. Hơn 10 năm ở vùng biển Bình Minh, Lê Liêu đã trưởng thành lên. ở đây ông còn ấp ủ và nuôi dưỡng được tâm hồn thơ ca. Lê Liêu làm thơ, thơ của ông đã được đăng tải trên chuyên san của VHNT Ninh Bình, Báo Ninh Bình, Báo Phụ nữ Việt Nam... Sau đó đi học tiếp tại Cao đẳng sư phạm Ninh Bình rồi về công tác tại Liên hiệp Công đoàn tỉnh, được phân công làm cán bộ tổng hợp rồi cán bộ tuyên giáo.
Từ năm 1976, ông được chuyển về làm Trưởng phòng Hành chính rồi Phó Giám đốc nhà nghỉ du lịch Kim Sơn trực thuộc LĐLĐ tỉnh Hà Nam Ninh cho đến khi về nghỉ hưu, để chính thức bước vào con đường làm báo, viết văn, thơ đầy gian lao, vất vả.
Lê Liêu đi thâm nhập thực tế ở nhiều nơi. Rất nhiều làng xã, cơ quan, nông trường, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... đã biết đến ông. Ham học hỏi, tìm hiểu, vì vậy vốn sống thực tế của ông mỗi ngày một đầy đặn hơn lên. Là người cần cù, say mê với công việc sáng tạo văn học nghệ thuật, Lê Liêu đã có hàng nghìn tác phẩm báo chí, truyện ngắn, bút ký, tùy bút, thơ được giới thiệu trên nhiều báo chí, đài phát thanh và đài truyền hình Trung ương và địa phương. Hơn 10 năm nay hầu như năm nào ông cũng được tặng thưởng danh hiệu cộng tác viên tích cực, xuất sắc của Báo Ninh Bình, Báo Quân khu III, Đài phát thanh - truyền hình Ninh Bình, giải bút ký, phóng sự viết về đề tài an ninh, du lịch, khuyến học, gương điển hình tiên tiến...
Bằng ngôn ngữ hình tượng với bút pháp không ngừng đổi mới và với độ chín của tư duy trong cảm nhận, đánh giá các vấn đề, Lê Liêu đã có một số thành công trong sáng tác. Năm 2006, Nhà xuất bản Thanh Niên đã ấn hành tập thơ "Hoa của đất" của Lê Liêu. Nhà thơ Phan Xuân Hạt biên tập tập thơ này nhận xét: "... Tập thơ được viết ra dưới ngòi bút có cảm xúc, cảm xúc chân mộc, thuần phác và dung dị...".
"Hoa của đất" là tập thơ Lê Liêu dành phần lớn các bài thơ ghi lại nỗi niềm của ông với hai miền quê yêu dấu: "Đất Nghệ An khắc nghiệt mà bất khuất", "Đất Ninh Bình thơ mộng mà lịch đại".
Thơ viết về đất và người Ninh Bình của Lê Liêu ngoài cảm xúc chân mộc, thuần phác, dung dị ra, ông còn ký thác tâm hồn, máu thịt mình vào nơi đã che chắn, đùm bọc ông. Đọc thơ ông có cảm giác ông là người họa sĩ vẽ phong cảnh Ninh Bình bằng thơ, ngoài cảnh vật nhìn được bằng mắt, người đọc còn được tận hưởng phần hồn sống động bên trong.
"Sông Vân đêm ngủ say
Phập phồng con nước thở..."
"... Nghe rì rầm tiếng đất
Xuân cựa mình sinh sôi..."
(Đêm xuân thị xã)
Hẳn trong chúng ta ai cũng đã hơn một lần đến với Tam Cốc, Lê Liêu đã đến nhiều lần và phong cảnh tuyệt tác này đã được Lê Liêu đưa vào thơ:
"... Bốn bề thăm thẳm hư vô
Mơn man xanh cả đôi bờ sóng xao
Giăng thành núi thấp núi cao
Non sông cẩm tú tạc vào thiên nhiên..."
Hầu như đến đâu, mùa nào trên quê hương Ninh Bình, Lê Liêu đều có thơ. Ông làm thơ như để "trả nợ ân tình" mà mảnh đất này đã "cho" ông rất nhiều.
Thơ viết về con người Ninh Bình của ông thật da diết, thật tình cảm. Cứ ngỡ ông sinh ra ở Ninh Bình, ông là người Ninh Bình. Trong bài "Lục bát một vùng quê" Lê Liêu viết:
"... Một thời làng vợi đàn ông
Bao người ra trận về không hẹn ngày
Chắt chiu từng hạt thóc gầy
Nuôi con lớn mẹ thêm dày tóc sương
Những người con gái quê hương
Đếm mùa hoa gạo soi gương một mình..."
Và trong mắt Lê Liêu, con người Ninh Bình có vẻ đẹp vĩnh cửu:
"... Người đẹp Cố đô muôn năm cũ
Sắc hương bền đến những ngày xa
Ơi, Ngọc Mỹ Nhân em trẻ mãi
Giấu mình vẫn lộ vẻ kiêu sa..."
Còn nhớ, đầu xuân 2007, khi Ninh Bình chuẩn bị kỷ niệm 185 năm thành lập, 15 năm ngày tái lập tỉnh và chào mừng thành phố Ninh Bình bước vào tuổi đầu tiên... Lê Liêu hào hứng lắm, ông hồ hởi nói với tôi:
- Với những trải nghiệm, tích lũy, tôi đã thấy vững vàng, tự tin hơn. Năm nay tôi sẽ hoàn thiện tập truyện và ký: "Tình người và đất" đó là tác phẩm về Ninh Bình, tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào những sự kiện trọng đại của tỉnh Ninh Bình, quê hương thứ 2 yêu dấu của tôi.
Ninh Đức Hậu
(Hội VHNT Ninh Bình)