Lễ hội Hoa Lư có lịch sử lâu đời, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của đức vua Đinh Tiên Hoàng và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý. Lễ hội Trường Yên xưa - Lễ hội Hoa Lư nay vẫn luôn có tầm ảnh hưởng lớn trong nhân dân, bảo lưu được những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc và hướng tới nâng cấp thành Quốc lễ.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Lư 2017 cho biết: Lễ hội Hoa Lư là lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Bình đã được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội được tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng đế, người con của Ninh Bình đã có công thống nhất giang sơn, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của Việt Nam, tưởng nhớ và tri ân công lao của các bậc tiên đế, các bậc tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, qua đó khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước ngày nay, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Đặc biệt, Lễ hội Hoa Lư năm nay là một hoạt động trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, hướng tới kỷ niệm 1050 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của Việt Nam.
Lễ hội năm nay được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 5-7/4/2017 (tức từ ngày mùng 9 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch). Riêng Llễ mở cửa đền, Lễ dâng hương và Tế cửu khúc được thực hiện trong ngày 4/4/2017. Theo đó, phần lễ gồm 10 nghi thức: Lễ mở cửa đền; Lễ dâng hương; Lễ rước nước; Lễ mộc dục; Lễ tiến phẩm; Lễ rước kiệu (từ các di tích lịch sử văn hóa liên quan đến các triều đại Đinh, Tiền Lê về Lễ hội); Tế cửu khúc, Tế lễ của các đoàn tế nam quan, nữ quan, đồng quan; Lễ cầu siêu và Lễ hội hoa đăng; Lễ tạ.
Tế lễ cổ truyền tại Lễ hội Hoa Lư năm 2017. Ảnh: TM
Phần hội tổ chức thành 6 nhóm nội dung, bao gồm: Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội; các hoạt động văn hóa văn nghệ; hội trại thanh niên; các trò chơi dân gian; các hoạt động thể dục, thể thao; các hoạt động trưng bày, triển lãm quảng bá du lịch, thương mại với tổng số 26 nội dung hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao truyền thống, hiện đại và các trò chơi dân gian như: Múa rối nước, múa trống, biểu diễn cồng chiêng, chọi gà, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm, bắn cung, bắn nỏ, kéo co, thi và trưng bày mâm ngũ quả tiến vua, thi thư pháp, thi cắm hoa, thi nấu cơm nhanh, thi chèo thuyền khéo, thi đấu bóng chuyền, giao lưu văn nghệ quần chúng, biểu diễn nghệ thuật chèo, trưng bày hiện vật về Kinh đô Hoa Lư, triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống, quảng bá du lịch…
Tất cả các hoạt động này được tổ chức từ buổi sáng đến buổi tối trong các ngày diễn ra lễ hội, tạo nên một không gian sắc màu lễ hội vừa linh thiêng vừa sinh động.
Cũng theo đồng chí Phó trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức Lễ hội Hoa Lư 2017, để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 1050 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tiếp nối việc tổ chức Lễ hội Hoa Lư với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2015, Lễ hội năm nay tiếp tục được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, bao gồm nhiều nội dung hoạt động lễ và hội đảm bảo trang trọng và thành kính.
Các nghi lễ truyền thống của lễ hội tiếp tục được duy trì, bảo tồn và phát huy. Nổi bật là vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư, ủy ban nhân dân xã Trường Yên tổ chức nghiên cứu và phục dựng nghi thức Tế cửu khúc - một trong những nghi thức quan trọng của lễ hội đã thất truyền nhiều năm.
Đội Tế cửu khúc của xã Trường Yên đã được luyện tập nhuần nhuyễn và tổ chức tế lễ vào tối ngày 4 và 6/4 (tức ngày 8 và 10/3 âm lịch). Cùng với đó, lễ hội năm nay còn đưa thêm một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống vào phần hội như: tổ tôm điếm, múa rối nước và biểu diễn nghệ thuật chèo, góp phần khôi phục và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân.
Đặc biệt, chào mừng lễ hội năm nay và cũng là chuẩn bị cho chương trình Lễ kỷ niệm 1.050 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, Ban Tổ chức lễ hội quyết định xây dựng và tổ chức một chương trình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm các hình thức diễn xướng dân gian như múa cờ lau tập trận, kéo chữ, hát chèo, sân khấu hóa nghi thức lễ đăng quang và ca múa nhạc dân gian, hiện đại với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên của Ninh Bình cùng các đơn vị nghệ thuật ở Trung ương và Hà Nội.
Chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề "Khát vọng Ninh Bình", gồm 3 chương: Chương I: Cờ lau tập trận - Thống nhất giang san; Chương II: Đăng quang Hoàng đế - Đất nước thái bình và chương III: Ninh Bình miền di sản - Vững bước tương lai, được truyền hình trực tiếp tại VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PTTH Ninh Bình và một số Đài PTTH địa phương khác.
Sự hình thành, tích tụ nên các giá trị của Lễ hội Hoa Lư là một quá trình lâu dài và chọn lọc. Những nội dung nghi lễ được phục dựng, các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống, hiện đại được bổ sung vào hoạt động lễ hội năm nay cùng với chương trình nghệ thuật chào mừng sẽ tạo nên sự đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc, tạo thành nơi hội tụ sắc màu tín ngưỡng thiêng liêng của vùng đất và con người nơi đây.
Đặc biệt, qua Lễ hội Hoa Lư, ngoài các phần lễ được tổ chức trang trọng, có ý nghĩa giáo dục về mặt lịch sử cho các thế hệ, còn là nơi tôn vinh văn hóa truyền thống qua các phần hội được tổ chức công phu, kỹ lưỡng, làm nên sức sống mãnh liệt của lễ hội trong đời sống nhân dân vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Với ý nghĩa đó, Lễ hội Hoa Lư được ví như tiếng gọi từ vùng di sản đất cố đô thu hút du khách thập phương về trẩy hội.
Mỹ Hạnh