Cùng dự hội nghị có đồng chí Đinh Ngọc Hà, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số đơn vị: Sở thông tin và truyền thông, Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh và các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông internet trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước và các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí, lĩnh vực viễn thông, internet trên địa bàn tỉnh của Ban Văn hóa - Xã hội.
Theo đó, thời gian qua việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí, viễn thông, internet trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả tích cực.
Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực báo chí, viễn thông, internet được tăng cường. Các cơ quan báo chí đã chấp hành đúng pháp luật về hoạt động báo chí, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính giáo dục, định hướng dư luận, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Các doanh nghiệp viễn thông đã chấp hành quy định của pháp luật, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh Quốc phòng ở địa phương.
Qua giám sát, Đoàn nhận thấy vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Công tác quản lý các trang thông tin điện tử của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh và hoạt động của các trang mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện Nghị quyết số 19 của HĐND tỉnh về phát thanh, truyền hình có nội dung chưa đạt mục tiêu đề ra, như kinh phí đề án mới được cấp 40%, chưa có nhiều bài viết, chương trình hấp dẫn, còn ít các bài viết phân tích hoặc bình luận sâu sắc.
Hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở còn khó khăn cả về vật chất, kỹ thuật và nguồn lực. Công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân có mặt chưa hiệu quả, còn tình trạng người dân khiếu kiện, ngăn cản việc xây dựng trạm phát sóng BTS nơi địa bàn dân cư.
Chất lượng dịch vụ viễn thông ở một số khu vực chưa thực sự đảm bảo. Việc triển khai ứng dụng CNTT phục vụ yêu cầu cải cách hành chính còn hạn chế, thiếu đồng bộ...
Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn đã đề xuất một số kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh, với UBND các huyện, thành phố và kiến nghị cụ thể đối với cơ quan, đơn vị được giám sát.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi, làm rõ một số khó khăn, nguyên nhân hạn chế của đơn vị và bổ sung một số kiến nghị với ngành chức năng để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Ngọc Hà, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao cách làm của Ban Văn hóa - Xã hội trong hoạt động giám sát.
Nhấn mạnh mục đích của cuộc giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Ban Văn hóa - Xã hội tiếp thu các ý kiến của các đơn vị giám sát, nhất là những hạn chế, khó khăn, kiến nghị để HĐND nhìn được bức tranh tổng thể của công tác quản lý Nhà nước và các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí, lĩnh vực viễn thông, internet trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí lưu ý, Ban cần có những đánh giá kỹ hơn về việc thực hiện Nghị quyết 19 của HĐND tỉnh, nhất là làm rõ hơn các vấn đề về nguồn lực con người, tài chính khi thực hiện Nghị quyết. Đây cũng là dịp để HĐND tỉnh đánh giá lại quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết 19 nói riêng cũng như đánh giá được công tác quản lý Nhà nước và quy định của pháp luật về hoạt động báo chí, lĩnh vực viễn thông, internet.
Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng gợi mở, Ban Văn hóa - Xã hội có thể đưa vấn đề triển khai Nghị quyết 19 để trở trở thành nội dung chất vấn tại kỳ họp tới của HĐND tỉnh...
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc cảm ơn, ghi nhận và tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng thời giao ban soạn thảo bổ sung, hoàn thiện báo cáo.
Tin, ảnh: Đức Nghĩa