Dự thảo Báo cáo Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đưa ra gồm 4 phần: sự cần thiết, phạm vi và căn cứ xây dựng quy hoạch; thực trạng và các yếu tố tác động; quan điểm, mục tiêu, định hướng quy hoạch nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết: Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam là một quy hoạch mang tính đặc thù liên quan đến nhiều lĩnh vực, có ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và phát triển nghệ thuật biểu diễn nước nhà trong tương lai. Chính vì vậy, qua Hội nghị này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn được lắng nghe, trao đổi, tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và phát triển nghệ thuật biểu diễn để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, trình Chính phủ phê duyệt.
Nội dung thảo luận tập trung vào những vấn đề cốt lõi như: Tổ chức bộ máy nghệ thuật biểu diễn, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, tổ chức sự kiện, thị hiếu thẩm mỹ và xu hướng hưởng thụ văn hóa, hợp tác quốc tế, các giải pháp và tổ chức thực hiện...
Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2020 nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật biểu diễn thế giới trong bối cảnh các loại hình nghệ thuật biểu diễn đã và đang phát triển, đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức sản xuất và thương mại.
Bên cạnh đó, Quy hoạch còn đặt nền tảng, cơ sở cho việc đầu tư của nhà nước và các nguồn lực xã hội để nghệ thuật biểu diễn đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật biểu diễn ngày càng cao và đa dạng của công chúng; xây dựng và phát triển các đơn vị nghệ thuật; cải thiện điều kiện sáng tác, dàn dựng và phổ biến tác phẩm của các nghệ sĩ; phát triển các tài năng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và dịch vụ xung quanh các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong sự cạnh tranh ngày càng tăng của thị trường trong nước và quốc tế, bảo vệ quyền tác giả và các quyền có liên quan của các sản phẩm tại thị trường trong nước và nước ngoài; thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Việc xây dựng Quy hoạch mới về nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 định hướng đến 2030 là một bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những hạn chế và giải pháp khắc phục trong sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật nói riêng để từng bước thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, trong đó, nghệ thuật biểu diễn có một vị trí quan trọng, vừa là phương tiện biểu đạt, vừa là thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Quy hoạch mới còn góp phần quan trọng, thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn Việt Nam phát triển phù hợp với thực tế xã hội trong thời kỳ mới, định hướng về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật và thẩm mỹ đối với công chúng; từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Theo Dangcongsan.vn