Cũng như ở Quốc hội, đây là lần đầu tiên HĐND các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Do đó, lấy phiếu tín nhiệm là một trong những vấn đề được cử tri tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm.
P.V: Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu?
Đ/c Đinh Chung Phụng: Ngày 21-11-2012, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 561/2013/UBTVQH13 ngày 16-1-2013 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35 của Quốc hội, theo đó lần đầu tiên HĐND các cấp thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2013, sau đó sẽ tiến hành thường xuyên hàng năm.
Mục đích, ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.
Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu là một bước tiến mới trong quá trình thực hiện dân chủ, thể hiện việc thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước đối với hệ thống chính trị, nhằm đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của HĐND đối với cán bộ chủ chốt mà trực tiếp là người giữ chức vụ do HĐND bầu.
P.V: Việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm có gì khác nhau, thưa đồng chí?
Đ/c Đinh Chung Phụng: Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội nêu rõ: Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm.
P.V: Theo Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội, đối tượng thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND các cấp giữa năm 2013 này gồm những ai, thưa đồng chí?
Đ/c Đinh Chung Phụng: Đối với HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, các chức danh tiến hành lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, ủy viên thường trực HĐND, Trưởng Ban của HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND. Đối với HĐND cấp xã, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh:Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND;Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các ủy viên của UBND.
P.V: Đồng chí cho biết những trường hợp nào sẽ được đưa ra HĐND bỏ phiếu tín nhiệm?
Đ/c Đinh Chung Phụng: Theo quy định của Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu trong các trường hợp sau đây: Một là, có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu HĐND; Hai là, có kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp; Ba là, người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp"; Bốn là, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" trong 2 năm liên tiếp. Trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu "không tín nhiệm" thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được HĐND tín nhiệm.
P.V: Công tác chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Đinh Chung Phụng: Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Văn bản số 1228-CV/TU lãnh đạo việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở HĐND các cấp. Đảng đoàn HĐND tỉnh đã tập trung lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh ban hành Kế hoạch số 06/KH-TTHĐ ngày 5-6-2013 triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIII; chỉ đạo hệ thống hóa các quy định của pháp luật, các mẫu biểu có liên quan để các huyện, thành phố, thị xã nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời tổ chức hội nghị quán triệt các văn bản của Trung ương, của Quốc hội đến Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan có liên quan. Đến ngày 20-6-2013, 15/15 người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh đã có báo cáo đầy đủ, nghiêm túc, bám sát nội dung theo yêu cầu về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật đối với chức vụ do HĐND bầu, tự đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến tháng 6-2013 gửi Thường trực HĐND tỉnh.
Đến nay, Thường trực HĐND tỉnh chưa nhận ý kiến nào của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đối với các vị giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm và chưa nhận được đề nghị nào của đại biểu HĐND tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm.
P.V: Để việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu đề ra, theo đồng chí cần phải chú trọng những nội dung gì?
Đ/c Đinh Chung Phụng: Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu là việc làm mới nên cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị và tiến hành quy trình, các bước công việc chặt chẽ, chu đáo, tạo thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ này tại kỳ họp thường lệ đầu các năm tiếp theo của nhiệm kỳ.
Để việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu đề ra, đảm bảo khách quan, chính xác, dân chủ, công khai, đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội, trước hết phải quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu, nhất là nội dung Nghị quyết số 35 ngày 21-11-2012 của Quốc hội đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đặc biệt chú trọng quán triệt sâu sắc, đầy đủ để từng đại biểu HĐND nắm chắc mục đích, yêu cầu, nội dung, trình tự, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm để đại biểu nhận thức sâu sắc trách nhiệm thay mặt nhân dân địa phương thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm đối với các vị được HĐND bầu một cách thật dân chủ, khách quan, thận trọng, công tâm và chính xác. Các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND các cấp theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, đại biểu HĐND và những người giữ chức vụ do HĐND các cấp bầu; đặc biệt phải được tiến hành công khai, dân chủ, minh bạch, đúng nguyên tắc, quy trình; bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, phát huy dân chủ đồng thời đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của từng đại biểu HĐND trong việc thể hiện ý kiến của mình một cách khách quan, công tâm, trên tinh thần đoàn kết, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, giúp nhau tiến bộ hơn; kịp thời phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện, hành vi lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để lồng động cơ cá nhân không đúng đắn, làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ; vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu HĐND, làm ảnh hưởng, sai lệch kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm chặt chẽ, theo đúng nội dung, trình tự, thủ tục các bước tiến hành tại hội nghị toàn thể cũng như tại buổi họp tổ đại biểu HĐND, bảo đảm để các đại biểu HĐND có đủ thời gian cân nhắc, suy nghĩ thận trọng trước khi ghi phiếu đánh giá tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Quản lý chặt chẽ thông tin liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm; ngăn ngừa việc phát tán thông tin không đúng quy định, có thể tác động trực tiếp đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Việc thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND và chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Triển khai thực hiện nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ đề cao trách nhiệm của đại biểu HĐND, bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ mà còn là bước tiến mới trong thực hiện dân chủ.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thu Thủy (Thực hiện)