Theo Cục thống kê Ninh Bình, năm 2009, trong số 3.637 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn nước ngoài thì có 2.735 lao động chưa qua đào tạo. Đến năm 2011, trong 16.422 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp có vốn nước ngoài thì chỉ còn 926 lao động chưa qua đào tạo, ngoài ra có trên 13.000lao động đã được doanh nghiệp đào tạo hoặc đào tạo lại …
Công ty may Excel là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn đầu tư vào tỉnh ta năm 2008. Đến nay, Công ty đã đầu tư hơn 15 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất, thu hút trên 1.600 lao động. Ông Phạm Minh Nam, Chủ tịch Tập đoàn, Tổng giám đốc Công ty Excel Việt Nam khẳng định: Bên cạnh chính sách thu hút đầu tư thông thoáng của tỉnh thì nguồn lao động tại chỗ rất dồi dào, cần cù, chăm chỉ… chính là "lực hút" chúng tôi đầu tư về đây. Nếu như ở các công ty con khác, chúng tôi rất vất vả để có đủ nhân lực vận hành sản xuất thì việc tuyển lao động của Excel Ninh Bình lại khá thuận lợi.
Tuy nhiên, hiện nay lao động giá rẻ không còn là điều hấp dẫn đối với công ty may Excel. "Trước đây, công đoạn vào vai áo vest, chúng tôi phải nhờ những người có kỹ thuật cao ở các công ty khác về làm. Do thế công ty phải gánh trả chi phí không nhỏ và không chủ động được thời gian hoàn thành lô sản phẩm" - ông Nam nói. Cuối năm 2010, Công ty đầu tư mua máy tra vai, máy cắt vải, máy trải vải… và mời chuyên gia về tập huấn cho người lao động. Việc vận hành máy cắt vải, trải vải đã giúp Công ty tiết giảm được 2/3 số nhân công so với cắt thủ công. Trong khi đó, sản lượng lại cao gấp 3 lần, độ chính xác là tuyệt đối. Thế nhưng, không phải lao động nào cũng có khả năng tiếp cận công nghệ và vận hành được máy móc. Thực tế, nhiều lao động đã vào sai thông số, làm hỏng lô sản phẩm. Việc làm lại lô sản phẩm khác rất khó vì hầu hết nguyên liệu doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hiện nay, công ty đã đầu tư 100% máy may điện tử. Và khi không còn là sản xuất thủ công, thì trình độ người lao động lại trở thành vấn đề cấp bách.
Đồng quan điểm này, lãnh đạo của Công ty May Đài Loan (Khu công nghiệp Gián Khẩu)cho biết, suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp. Thị trường tiêu thụ thu hẹp và khó tính hơn, người tiêu dùng chú ý đến giá sản phẩm nhiều hơn. Trong khi đó, đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp như: điện, xăng dầu, giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải… đều tăng cao. Vì thế, doanh nghiệp cần lấy năng suất lao động để bù đắp. Muốn vậy, doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách tuyển dụng lao động. Nghĩa là không thể coi lao động giá rẻ là lợi thế để thu hút đầu tư nữa. Bởi lao động giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng lao động thấp, không đáp ứng được xu thế đổi mới, sử dụng công nghệ sản xuất, quản lý ngày càng cao của doanh nghiệp. Mặt khác, lao động phổ thông cũng chưa có tác phong làm việc công nghiệp, trình độ, khả năng nhận thức cũng khác nhau. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng nghỉ làm tùy tiện, không tuân thủ quy định của doanh nghiệp. Trong một dây chuyền sản xuất hiện đại, mỗi công nhân đều là một mắt xích quan trọng, chỉ "trống" vài vị trí đã ảnh hưởng tới cả dây chuyền…
Theo số liệu năm 2009 của Cục Thống kê, trong 3.637 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, có tới 2.735 lao động chưa qua đào tạo. Đến năm 2011, trong 16.422 lao động làm việc tại doanh nghiệp có vốn nước ngoài, thì chỉ còn 926 lao động chưa qua đào tạo. Có trên 13.000 lao động đã được các doanh nghiệp đào tạo, hoặc đào tạo lại.
Nhu cầu sử dụng lao động đã qua đào tạo của những doanh nghiệp trong nước cũng ngày càng tăng. Theo ông La Thanh Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, năm 2011, trong gần 8.000 lao động cần tuyển qua Sàn giao dịch việc làm, nhu cầu về lao động có tay nghề chiếm 18%. Năm 2012, trong 10.000 lao động cần tuyển, thì nhu cầu lao động có tay nghề chiếm trên 35%. Đến những tháng đầu tiên của năm 2013, nhu cầu tuyển lao động có tay nghề tăng lên trên 30% trong tổng số 3.000 lao động cần tuyển.
Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ đã không tuyển được lao động có tay nghề ở địa phương, mà phải tuyển lao động từ nơi khác đến. Qua 6 phiên giao dịch việc làm đã được tổ chức từ đầu năm tới nay, số công nhân kỹ thuật các doanh nghiệp tuyển được là rất ít. Nhiều doanh nghiệp đã phải đến tận các trường dạy nghề để tuyển lao động song cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong khi chất lượng các trường, trung tâm dạy nghề vẫn còn nhiều bất cập như hiện nay, thì để "sở hữu" đội ngũ lao động lành nghề, đã có rất nhiều doanh nghiệp không tiếc tiền của, công sức để đầu tư đào tạo nâng cao trình độ cho những lao động đang làm việc tại đơn vị mình.
Ông Hà Đăng Phượng, Phó giám đốc Công ty xuất khẩu gỗ Tài Anh cho biết: Để người lao động không chỉ biết việc mà còn giỏi việc, hàng năm chúng tôi đã thuê giáo viên ngoại tỉnh về dạy. Chi phí dành cho công tác đào tạo là khá cao. Nhưng đó là cái giá xứng đáng. Bởi sau khi được đào tạo thì trình độ người lao động được cải thiện rất nhiều. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì tay nghề, trình độ của người lao động mang tính chất quyết định. Và tất nhiên, các chế độ đãi ngộ dành cho những lao động có tay nghề cũng cao hơn hẳn.
Một lao động thủ công thì chỉ có mức lương trung bình khoảng 2-2,5 triệu đồng/tháng, trong khi những lao động có tay nghề thì được hưởng mức lương từ 3,5-4,5 triệu đồng/tháng. Để chiêu mộ được lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề vững, các doanh nghiệp đã áp dụng các chính sách ưu đãi về lương, hỗ trợ chỗ ăn, ở, phương tiện đi lại… "Tuyển những công nhân giá rẻ, chúng tôi có thể tiết giảm được một phần trong quỹ tiền lương. Nhưng chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để đào tạo lại sẽ cao hơn nhiều.
Nếu trước đây, nhân công giá rẻ được coi là lợi thế để thu hút đầu tư, thì hiện nay nó là một rào cản. Bởi trình độ lao động thấp đồng nghĩa với việc làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao. Thời gian tới, khi tiến hành tuyển dụng, chúng tôi sẽ có yêu cầu khắt khe hơn về trình độ người lao động" - ông Phượng khẳng định.
Thu Hằng