Trước đó, thông qua sự giới thiệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hiệp hội Phong cách lễ nghi Nhật Bản phối hợp với Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động Quốc tế đã liên kết với tỉnh mở 2 lớp đào tạo tiếng Nhật kèm theo nghiệp vụ khách sạn, dịch vụ, điều dưỡng… Hiện 2 lớp đào tạo trên có tổng số 75 học viên, chương trình khóa học kéo dài 2 năm, bao gồm 1 năm đào tạo tại Việt Nam và 1 năm thực tập tại Nhật Bản.
Tại buổi tiếp và làm việc với ngài Chủ tịch hiệp hội Phong cách lễ nghi Nhật Bản, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế - xã hội cũng như những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh ta.
Đồng chí nhấn mạnh những lợi thế về du lịch, trong đó có Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới năm 2014.
Chính vì vậy, tỉnh Ninh Bình coi ngành du lịch là ngành phát triển kinh tế mũi nhọn. Theo đó, các ngành nghề về dịch vụ, khách sạn, điều dưỡng… đang có lợi thế lớn để phát triển, dẫn đến nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn nghiệp vụ.
Vì thế, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh rất hoan nghênh việc Hiệp hội Phong cách lễ nghi Nhật Bản phối hợp tổ chức các lớp đào tạo kể trên. Đồng chí nhấn mạnh, quá trình đào tạo sẽ giúp các học viên vừa được học kiến thức và chuyên môn, vừa thông thạo ngoại ngữ cũng như tác phong làm việc của người Nhật Bản - con người của một đất nước văn minh, hiện đại và có tính kỷ luật cao…
Qua quá trình đào tạo đó sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu phát triển các ngành dịch vụ của tỉnh, đồng thời góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà. Riêng về phía Ninh Bình, UBND tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để Hiệp hội tổ chức chương trình đào tạo giảng dạy.
Đồng Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng bày tỏ mong muốn Hiệp hội Phong cách lễ nghi Nhật Bản tăng cường sự hợp tác, mở rộng quy mô lớp đào tạo như trên để nhiều người lao động của tỉnh được tiếp cận và tham gia.
Thái Học - Đức Lam