Cùng dự có lãnh đạo các sở: Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Nội vụ; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế và đại diện các đơn vị trong ngành.
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Sở Y tế, đồng chí Phạm Thị Phương Hạnh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Y tế đã báo cáo thực trạng công tác Y tế sau hợp nhất, sáp nhập, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
Theo đó, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực, khẩn trương, tập trung cao độ thực hiện việc sắp xếp, bước đầu ổn định tổ chức bộ máy ngành Y tế, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Sau khi hợp nhất tỉnh, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình hiện có 64 cơ quan, đơn vị trực thuộc. Toàn ngành có 2.503 bác sỹ, trong đó có 5 tiến sĩ, 131 chuyên khoa cấp II, Thạc sĩ, 913 chuyên khoa cấp I…
Tỉnh Ninh Bình sau hợp nhất hiện có 1.952 cơ sở khám, chữa bệnh. Năm 2024, có trên 3,9 triệu lượt khám, chữa bệnh (KCB); tổng số lượt chuyển khám bệnh viện tuyến trên là 167.473 lượt người (khoảng 4,2%); tỷ lệ hài lòng của người bệnh với dịch vụ KCB trung bình đạt trên 90%. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình và 2 Bệnh viện đa khoa cơ sở Nam Định và Hà Nam đã triển khai, phát triển được nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, nâng cao chất lượng KCB trong các lĩnh vực như: Thận nhân tạo, siêu âm, nội soi, CT, MRI, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật sọ não, cột sống, can thiệp tim mạch, Ung bướu, Phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ...
Bên cạnh đó, các mặt công tác khác như: Công tác y tế dự phòng, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, bảo đảm ATTP, chuyển đổi số của ngành Y tế và thực hiện Đề án 06 cơ bản đáp ứng theo yêu cầu của UBND tỉnh, Bộ Y tế. Tỉnh Ninh Bình đang xếp thứ 8 trên toàn quốc về tỷ lệ phần trăm (%) tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên số dân thường trú, đạt 32%. Hiện đã có 2 bệnh viện công lập và 2 bệnh viện tư nhân đã hoàn thành công bố sử dụng Bệnh án điện tử. 100% các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh trong tỉnh đã triển khai áp dụng thanh toán viện phí bằng hình thức không sử dụng tiền mặt...
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Y tế và đại diện các đơn vị trực thuộc đã phát biểu ý kiến, trao đổi về những thuận lợi, khó khăn, đề xuất một số vấn đề cần được quan tâm giải quyết: đề xuất UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế trên địa bàn; đề nghị UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh cho phép ngành Y tế tham mưu xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2025-2030 trình HĐND tỉnh ban hành; tăng cường đào tạo về công tác quản trị y tế, kinh tế y tế, cải tiến chất lượng dịch vụ; đề nghị được phân cấp quản lý ATTP; quan tâm lĩnh vực dân số, trẻ em...
Đại diện các sở: Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Nội vụ đã trao đổi, giải đáp một số nội dung liên quan đến công tác quản lý Nhà nước của ngành để làm rõ các kiến nghị, đề xuất của ngành Y tế.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Hà Lan Anh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận: Sở Y tế và các đơn vị trong ngành đã triển khai thực hiện rất quyết liệt các nhiệm vụ công tác y tế để hoàn thành các nhiệm vụ tỉnh giao trong 6 tháng đầu năm. Sau 3 tuần đi vào hoạt động, tổ chức bộ máy sau sáp nhập của ngành đã ổn định, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề ngành Y tế và các đơn vị quan tâm thực hiện: Sớm ban hành các quy định, quyết định của Sở cũng như các đơn vị trực thuộc; chủ động tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh. Rà soát lại các quy định, chế độ, chính sách, phân công, phân cấp, phân quyền những nội dung thuộc trách nhiệm của Sở, những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Hiện chưa ban hành các quy định mới trong thực hiện nhiệm vụ thì tiếp tục tuân thủ các quy định trước đó đối với từng địa bàn.
Về các quy định về chế độ, chính sách của 3 tỉnh cũ trước đây, tính toán áp dụng quy định nào ưu việt nhất, phù hợp nhất để tạo thuận lợi cho việc thực hiện; quan tâm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ Nam Định, Hà Nam về làm việc tại Ninh Bình để đảm bảo ổn định tư tưởng, yên tâm công tác; kịp thời tham mưu, kiện toàn các Ban chỉ đạo, các hội đồng thuộc lĩnh vực, trách nhiệm của ngành Y tế; quan tâm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, phục vụ cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030; chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, chất lượng khám,chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Quan tâm công tác y tế dự phòng, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, công tác bảo trợ xã hội, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Đối với các đề xuất, kiến nghị của ngành Y tế, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu trao đổi, làm rõ từng vấn đề: đề nghị Sở Y tế tính toán phương án về nguồn nhân lực, báo cáo UBND tỉnh. Đồng tình với dự kiến kế hoạch xây dựng chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Sở Y tế, đồng chí đề nghị Sở Y tế sớm báo cáo UBND tỉnh vào kỳ họp thường kỳ tháng 12/2025. Bên cạnh đó, ngành Y tế cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, có kế hoạch cụ thể để đội ngũ được tiếp cận với công nghệ mới, hiện đại.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trước nhu cầu lớn của các đơn vị trong ngành, tỉnh tiếp tục cùng ngành Y tế rà soát lại các công trình, dự án, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh để tính toán giữa nhu cầu của ngành và nguồn lực của tỉnh. Đồng chí cũng đề nghị ngành Y tế quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trong điều kiện chi phí thấp nhưng hiệu quả cao...
Đối với những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Trung ương, đề nghị Sở Y tế và các Sở liên quan tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh đề xuất Trung ương xem xét.