Theo chị Tưởng Thân Minh Hải, Điều dưỡng trung cấp tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan thì công tác điều dưỡng có những đặc thù riêng, được ví là nghề "làm dâu trăm họ", khi phải đối diện với nhiều tình huống xảy ra khác nhau, nhất là phải lấy việc chăm sóc người bệnh "toàn diện" làm nhiệm vụ trọng tâm.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, chị Minh Hải cho biết, vất vả và khó khăn cũng nhiều, nhưng tình yêu và niềm vui cũng tràn đầy sau mỗi ngày làm việc.
Ngoài thực hiện những nhiệm vụ được giao của một người điều dưỡng trung cấp, như thực hiện nghiêm quy chế của bệnh viện; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình chuyên môn của điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh; phối hợp với khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn thực hiện kiểm tra công tác vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện; khảo sát sự hài lòng của người bệnh và người nhà của họ... bằng sự nỗ lực cao nhất của bản thân và phối kết hợp chặt chẽ với những đồng nghiệp cùng phòng, cùng bệnh viện để thực hiện hiệu quả và tốt nhất những nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Lương y phải như từ mẫu" và "Làm việc gì cũng phải có cái tâm và yêu nghề thì chúng ta mới thành công được", chị Hải luôn tận tình tận lực, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, với bất cứ công việc nào được cấp trên phân công đều cố gắng làm đến nơi đến chốn và hoàn thành đúng thời gian quy định.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, yếu tố quan trọng là phải có trình độ, do vậy chị không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn bằng cách học hỏi qua sách báo, thông tin đại chúng, học hỏi kinh nghiệm của các đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan, vận dụng các kinh nghiệm đó vào những công việc hàng ngày của mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Mặc dù công việc chuyên môn khá bận, nhưng chị Hải khá tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học, hàng năm đều có các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Năm 2017, chị có đề tài về "Khảo sát sự hài lòng của người bệnh và thân nhân người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa Nho Quan", nhằm đánh giá sự hài lòng của người bệnh và người nhà người bệnh đến điều trị nội trú tại bệnh viện và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường sự hài lòng của người bệnh.
Năm 2018, chị tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học cấp cơ sở với đề tài: "Đánh giá việc thực hành 5S tại các khoa lâm sàng Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan"... Các đề tài này được áp dụng giúp nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, nâng cao hiệu suất công việc, giảm thiểu sai xót, sự cố trong quá trình chăm sóc điều trị, tăng sự tin tưởng của người bệnh đối với các dịch vụ chăm sóc y tế.
Với những nỗ lực của mình, hàng năm, điều dưỡng Tưởng Thân Minh Hải luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, những năm gần đây liên tục được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2018, chị vinh dự là một trong 25 cá nhân tiêu biểu của ngành Y tế Ninh Bình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Đối với bác sĩ Hứa Thị Phương, Trưởng khoa Hóa sinh-vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình, thì những phần thưởng như gần 10 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" cấp tỉnh giai đoạn 2010-2015"; giải khuyến khích trong cuộc thi "Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2013; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2014; danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh năm 2015.... đã khẳng định sự phấn đấu miệt mài, lâu dài và bền bỉ của một nữ cán bộ công tác trong ngành Y.
Chị Phương cho biết, với vai trò là lãnh đạo khoa xét nghiệm, đồng thời là một bác sỹ, tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người bác sỹ thường xuyên trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, phối hợp với các khoa lâm sàng để phát triển các kỹ thuật mới phù hợp với nhu cầu phát triển của bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh.
Tiêu biểu như các xét nghiệm PRO-BNP, PRO-calcitonin, HbeAg, Anti Hbe; các xét nghiệm chẩn đoán ung thư…; đặc biệt năm 2016, triển khai xét nghiệm đo tải lượng virut Viêm gan B và C, góp phần giảm số lượng người bệnh chuyển lên tuyến trên.
Đồng thời tích cực bồi dưỡng, giúp đỡ chuyên môn, nghiệp vụ cho anh chị em trong Khoa, cùng với đồng nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiệm vụ chính trị, do đó, hàng năm Khoa luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Trong quá trình làm việc, bác sĩ Hứa Thị Phương luôn có suy nghĩ, người bệnh khi phải đến bệnh viện và cần mình thì không chỉ để chữa bệnh mà còn cần sự động viên, chia sẻ cả về tinh thần, thái độ; do đó không chỉ bản thân chị thực hiện mà còn nhắc nhở đồng nghiệp luôn cư xử đúng mực, không gây phiền hà, sách nhiễu với người bệnh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp và người bệnh.
Đồng thời, để nâng cao trình độ, bác sĩ Phương tích cực học hỏi đồng nghiệp, qua mạng, qua các lớp tập huấn, qua các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn... để nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó cập nhật những kiến thức, kỹ thuật mới nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển của bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Cùng với đó, bác sĩ Phương cũng tích cực nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến và ứng dụng khoa học kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội nhất định cho khoa, cho bệnh viện. Nổi bật trong đó là sáng kiến: "Cải tiến quy trình nuôi cấy phân lập vi khuẩn và làm kháng sinh đồ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình" được công nhận sáng kiến cấp tỉnh năm 2013...
Là Phó Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện đa khoa tỉnh, bác sĩ Hứa Thị Phương rất tích cực tham gia các hoạt động Công đoàn, các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" trong CNVCLĐ; phong trào "Phụ nữ hai giỏi", xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh xuất sắc, tích cực phát huy sáng kiến trong công tác, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Mỹ Hạnh