Phải dày công lắm, chúng tôi mới hẹn gặp được những người làm giám định pháp y. Phần vì công việc của những giám định viên khá bận rộn, đường đột, khó xác định được lúc nào thực sự rảnh, mặt khác, các bác sĩ đều cho rằng công việc của mình cũng bình dị như nhiều nghề khác, không có gì nhiều để chia sẻ. Nhưng chúng tôi hiểu đó là sự khiêm nhường đáng trân quý thôi, chứ thực tế thì đến ngay cả những người "ngoại đạo", không tỏ tường về nghề thì cũng mơ hồ cảm nhận được những khó khăn, vất vả, áp lực của một giám định pháp y- những người chuyên làm việc với… xác chết, với những nỗi ám ảnh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải là một trong những giám định pháp y hàng đầu của tỉnh và nổi tiếng trong hàng ngũ những giám định viên giỏi nghề của toàn quốc. Cộng sự của ông Hải là hai nữ bác sĩ trẻ, khá xinh đẹp, đó là chị Đinh Thị Mừng và Bùi Thị Huệ. Ông Hải bảo, thực ra trong những nghề mà Bộ Lao động và TBXH quy định nữ giới không làm thì có nghề giám định pháp y. Nhưng phần vì ở tỉnh ta thiếu người làm giám định, phần nữa là các nữ bác sĩ cũng có niềm đam mê nên chúng tôi dìu dắt để các em tiếp cận và hiểu biết hơn về nghề. "Khi quyết định theo nghề, chúng tôi đã được bác sĩ Hải "lên giây cót" tinh thần rất nhiều. Những vất vả trong nghề đều được bác sĩ Hải chia sẻ chân tình để chúng tôi có sự lựa chọn cho phù hợp. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm theo nghề, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là nỗi sợ hãi bản năng của người phụ nữ. Đó là hành trình hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số vượt rừng, thậm chí leo núi đến tận nơi nạn nhân tử vong để làm nhiệm vụ, rồi còn phải đối mặt với hình ảnh tử thi đang trong quá trình phân hủy mạnh; những áp lực về "thời điểm vàng" để sớm tìm ra nguyên nhân gây tử vong…
Nhưng để lựa chọn lại, tôi cũng vẫn chọn theo nghề dẫu biết rằng, nếu trở thành một bác sĩ đa khoa như đúng chuyên môn mình học thì con đường đi bớt gập ghềnh hơn nhiều"- nữ bác sĩ Đinh Thị Mừng nói. Mới đầu, hai nữ bác sĩ chỉ đảm nhận công việc là một kỹ thuật viên với công việc chính là đưa dụng cụ, khâu mổ, chụp ảnh tư liệu, ghi lại thông số… theo sự chỉ đạo của giám định viên chính. Nhưng bây giờ, các bác sỹ đã có thể trở thành tay mổ chính, tất nhiên sẽ có sự hỗ trợ, chỉ đạo trực tiếp từ giám định viên chính. Đối với những ca bệnh khó hay những ca nạn nhân mắc bệnh truyền nhiễm như HIV, Lao, Viêm gan B… thì chưa bao giờ bác sĩ Hải để cộng sự làm. Nhiệm vụ của cộng sự lúc đó, ngoài các phần việc của một kỹ thuật viên thì họ phải học hỏi, tích lũy những kinh nghiệm mà bác sĩ Hải chia sẻ.
Gần 20 năm gắn bó với công việc của một giám định viên, ông Hải nói, điều quan trọng là phải có sự tỉ mỉ trong quan sát, khả năng tư duy logic tốt như một… thám tử. Mà những tố chất này không trường lớp nào dạy được, bản thân người giám định phải tự trau dồi trong quá trình làm nghề. Khi đánh giá tốt qua quan sát lâm sàng, người giám định sẽ xác định chính xác vị trí mổ, thậm chí biết luôn được nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân. Ông Hải kể cho chúng tôi nghe trường hợp một nữ nạn nhân trẻ, cô chết trong nhà của bạn trai. Khi đó, mọi nghi vấn đổ dồn về phía người tình của cô gái, tuy nhiên quan sát ban đầu cho thấy, nạn nhân tuy đã chết nhưng môi vẫn đỏ, thi thể nguyên vẹn, không có dấu hiệu bị xâm phạm. Sau khi chăm chú quan sát, bác sỹ Hải thầm nghĩ ngay đến nạn nhân chết do bị ngộ độc khí CO. Qua khám nghiệm thì quả đúng là như vậy.
Những kinh nghiệm được đúc rút từ nhiều năm làm nghề ấy được ông Hải nhắc nhở hàng ngày đối với mỗi giám định viên trẻ, ngay cả lúc họ phụ việc cho ông trong những ca giám định khó. Cũng theo ông Hải, chân lý và pháp lý đòi hỏi giám định viên phải nghiêm túc, tỉ mỉ, thận trọng trong công việc. Từ việc xác định mô tổn thương, vị trí mổ trên tử thi, lấy mẫu xét nghiệm đến các công đoạn khác trong phòng xét nghiệm và cuối cùng là khâu "làm đẹp" cho tử thi. Không phân biệt thân thế của nạn nhân, có thể đó là người sống lang thang hoặc người có thân thế… tuy nhiên, khi gặp nạn thì họ đều trông chờ ở giám định viên sự khách quan, trung thực. Cũng theo ông Hải, không phải lần khám nghiệm nào cũng mô tả và xác định được nguyên nhân ngay. Có trường hợp phải hàng đêm thức trắng để nghĩ ra chi tiết gì đó liên quan đến vụ án rồi bật dậy ghi chép. Không chỉ thao tác giỏi, các giám định viên phải là người có khả năng nói tốt. Mà muốn nói tốt thì phải trau dồi năng lực chuyên môn và kiến thức pháp luật vững vàng để bảo vệ kết quả giám định trước tòa nếu được triệu tập.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, khi xác định học nghề y, là chúng tôi mong muốn mình sẽ trở thành một "thiên thần áo trắng", có đủ tài, đức để trị bệnh cứu người. Nhưng nhân duyên lại đưa tôi đến với công việc của một giám định pháp y. Vẫn với danh xưng bác sĩ, nhưng thay vì mặc những bộ blouse trắng tinh khôi, sạch sẽ để tiếp xúc với người bệnh… thì chúng tôi lại khoác lên mình bộ quần áo mưa "đặc chủng" để làm việc trực tiếp với tử thi. Sau mỗi ca giám định, phải mất một thời gian dài chúng tôi không thể ăn thịt, không thể chịu nổi mùi của ngũ vị hương và đặc biệt nữa là rất sợ nghe thấy tiếng khóc. Những phản xạ tâm lý này hầu như ai khi làm nghề giám định pháp y đều gặp phải. "Thời trẻ, đã có lúc muốn rời lĩnh vực này để trở lại làm bác sĩ đa khoa như đúng chuyên môn mình từng theo học tại Học viện quân y nhưng rồi lại không "dứt áo" mà đi được. Đến giờ thì tôi gắn với nghề bằng một "ngọn lửa". Đó là ngọn lửa của quyết tâm, ngọn lửa của công lý và là ngọn lửa để truyền đam mê nghề nghiệp cho những thế hệ trẻ"- ông Hải nói.
Đào Hằng