Cách tri ân lặng lẽ
Năm 1983, chưa tròn 20 tuổi, chị Hùynh Thị Hảo (xã Đồng Phong, huyện Nho Quan) vào làm việc ở Trung tâm Thương binh Nho Quan với nhiệm vụ chính là hộ lý.
30 năm sau, có chăng sự đổi thay nằm ở mái tóc, làn da, còn lòng nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, lòng biết ơn với những người đã để lại một phần trí nhớ, thương tật ở chiến trường… của chị Hảo vẫn vẹn nguyên như thuở đôi mươi. Mỗi sáng, chị Hảo đến Trung tâm bằng một tinh thần hăng say nhất. Thăm hỏi, quan sát tâm lý của các thương, bệnh binh, sau đó bắt tay vào dọn phòng, cho người bệnh ăn uống, tắm giặt…
Hơn 30 năm đều đặn lặp lại công việc ấy nhưng chưa bao giờ chị Hảo thấy nhàm chán, vất vả. "Ngày mới vào làm, tôi là cô gái rất trẻ. Nhiều người hỏi rằng, tôi có e ngại không khi tận tay chăm sóc, tắm rửa cho các thương bệnh binh, trong đó đa số là nam giới? Tôi trả lời rằng, đây là cha chú, là ông của tôi. Họ là những người không tiếc máu xương để dành lại độc lập cho những thế hệ trẻ như tôi. Bởi vậy, tôi đã chăm sóc họ bằng cả lòng biết ơn. Tôi ước rằng có thể làm được nhiều điều hơn nữa"- chị Hảo bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.
Có bố mẹ từng làm việc tại Trung tâm, nên tuổi thơ của chị Hảo là những ngày được rong chơi, được các bác, các chú thương, bệnh binh quý mến, bế bồng. Bởi thế, với chị Hảo, Trung tâm thực sự là ngôi nhà đúng nghĩa, là nơi ôm ấp rất nhiều kỷ niệm. Và chị quyết định gắn bó với công việc trực tiếp chăm sóc các thương, bệnh binh cho đến tận bây giờ.
Được đi cùng với các bác thương, bệnh binh một chặng đường dài, chị Hảo chứng kiến những người lính ấy đang già dần theo năm tháng, có nhiều người chị Hảo gắn bó từ những ngày đầu vào Trung tâm đã không còn nữa. Mỗi lần tiễn đưa một người, chị lại nhớ da diết những câu chuyện về chiến tranh mà các bác kể cho chị nghe từ thuở rất xa. Lớn lên, chị Hảo mới biết, những câu chuyện kể đó là những mảnh vỡ còn lại trong ký ức của những người lính dũng cảm. Những lúc tỉnh táo, họ nhớ về đồng đội, họ nhớ về những cánh rừng đi qua, nhưng tuyệt nhiên, họ không nhớ nổi về gia đình mình.
Rất nhiều thương, bệnh binh nặng ở Trung tâm không xác định được quê quán, gia đình. Bởi thế, chị Hảo và đồng nghiệp luôn xác định mình cần và phải trở thành người thân, tạo cho các bác tình cảm ấm áp của một gia đình. Bằng tình cảm ấy, vượt qua bao khó khăn, chị Hảo vẫn gắn bó với Trung tâm này. Nay, các con của chị đã trưởng thành. Anh em lập nghiệp ở xa, chỉ còn mình chị gắn bó với mảnh đất Nho Quan. Nhưng chị Hảo bảo rằng, chị sẽ không rời xa nơi này, bởi ở đây, chị còn có một gia đình.
"Ai cũng cần một lối về"
Đó là tâm sự của anh Vũ Ký Bảo, quản lý bếp học viên, Cơ sở cai nghiện tỉnh Ninh Bình. Anh Bảo cho biết: hơn 300 học viên đang thực hiện cai nghiện ở cơ sở là hơn 300 mảnh đời với những sai lầm và cũng chừng ấy khát vọng được trở về hòa nhập cộng đồng.
"Một bữa ăn rất quan trọng. Không chỉ cân đối thực đơn cho hợp khẩu vị, đảm bảo dinh dưỡng mà quan trọng nữa là phải tạo được không khí ấm áp, vui vẻ như một gia đình trong bữa ăn. Có như vậy, các học viên mới cảm nhận được sự bình đẳng, niềm tin tưởng và hi vọng của các cán bộ ở Cơ sở đối với họ. Với quan điểm đó, chúng tôi luôn chú trọng, đặt nhiều tâm huyết vào từng bữa cơm cho học viên"- anh Bảo chia sẻ.
Đặc biệt, với vai trò là quản lý bếp học viên, anh Bảo có sáng kiến thành lập một tổ nấu ăn gồm 14 học viên. Với sự hướng dẫn của các cán bộ quản lý bếp, tổ nấu ăn sẽ nắm nhu cầu, sở thích và tình trạng sức khỏe của các học viên khác, từ đó chế biến các món ăn phù hợp. Được tận tay chuẩn bị bữa ăn, các học viên rất phấn khởi, xúc động. Họ nhớ lại những quãng thời gian bình yên bên gia đình, bên vợ, con, họ cũng đã từng tận tay chuẩn bị bữa ăn cho những người thân yêu của mình…
Anh Vũ Ký Bảo cho biết thêm, hầu hết các học viên ở cơ sở cai nghiện Ninh Bình không được về nhà vào mỗi độ Tết đến, Xuân về. Ở thời khắc này, tâm lý họ rất nhớ nhà, nhớ quê hương. Bởi vậy, nhà bếp luôn cố gắng đưa các món ăn cổ truyền, đậm hương vị quê hương vào các bữa ăn, để mỗi học viên đều cảm nhận được không khí sum vầy ngày xuân… Được động viên, chia sẻ bằng những bữa ăn đầm ấm, tinh thần của các học viên rất phấn khởi, ai cũng thể hiện quyết tâm thực hiện tốt phác đồ cai nghiện và tích cực lao động phục hồi với mong muốn sớm trở về với gia đình.
Ông Lê Tiến Đạt, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện Ninh Bình cho biết: Với sự tâm huyết, trách nhiệm trong công việc của một quản lý bếp ăn như anh Vũ Ký Bảo đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe cho các học viên. Hầu hết các học viên đều tăng cân khỏe mạnh sau một thời gian thực hiện cai nghiện. Sức khỏe ổn định, tinh thần lạc quan là điều kiện quan trọng để các học viên cai nghiện thành công. Trong 5 năm qua, Cơ sở đã tư vấn, tổ chức cho 873 lượt học viên tái hòa nhập cộng đồng.
Chị Hảo, anh Bảo là 2 trong 7 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình được vinh danh tại lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức vừa qua. Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức nhằm tôn vinh những cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp với cộng đồng.
Bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ: Trên thực tế, còn nhiều lắm những tấm gương thầm lặng đóng góp cho cộng đồng. Đó có thể là những thầy cô miệt mài cõng chữ lên non, gắn bó với trẻ em vùng khó khăn; là những thầy thuốc hết lòng vì người bệnh nghèo; cũng có thể là những người dân bình thường song có nhiều việc làm ý nghĩa để viết lên câu chuyện đẹp giữa đời thường… Sự tôn vinh kịp thời của xã hội sẽ là nguồn động viên lớn để các cá nhân tiêu biểu tiếp tục lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, góp phần xây dựng một cộng đồng hạnh phúc.
Bài, ảnh: Đào Hằng