Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều trẻ em đang phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, cần tiếp tục nhận được sự sẻ chia của cả cộng đồng… Cháy bỏng những giấc mơ
Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi đến nhà cô bé người dân tộc Mường Bùi Thị Hạ (xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan). Hạ vừa đi nhổ lạc về, mồ hôi nhễ nhại. Trước khi mời chúng tôi vào nhà, em tranh thủ bỏ sọt rau vào chuồng cho mấy chú lợn con háu đói. Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Bố bị bệnh, đau yếu luôn. Mọi việc trong gia đình dồn hết lên vai mẹ Hạ. Hàng ngày, ngoài giờ học em vẫn phụ với mẹ để làm các công việc đồng áng. Nghỉ hè rồi, em càng có thời gian giúp mẹ làm ruộng. Hạ bảo, sang năm em lên lớp 9 rồi, chương trình học ngày càng khó. Em cũng muốn dành thời gian đi học thêm như các bạn để củng cố kiến thức, nhưng trước mắt cứ phải giúp mẹ làm việc đã. Được đến trường đã là may mắn lắm rồi. Vất vả tới mấy em cũng chịu được, chỉ sợ phải nghỉ học giữa chừng như hai anh trai thì Hạ buồn lắm. "Em chỉ ước được theo học đến cùng thôi. Em không thi vào đại học vì hoàn cảnh gia đình em khó mà nuôi em học được. Tốt nghiệp THPT, em sẽ lựa chọn một nghề phù hợp để theo học. Khi đó, em sẽ vừa học,vừa đi làm thêm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình"- Hạ nói.
Hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Hoa (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan) cũng thật éo le. Bố em mất sớm khi đứa con thứ 3 mới chưa kịp chào đời. Gánh nặng mưu sinh và nuôi dưỡng 3 đứa con thơ được đặt trọn lên vai người mẹ trẻ. Người mẹ trẻ ấy chôn chặt nỗi đau vào tim để làm lụng nuôi nấng các con. Ngoài mẫu ruộng, mẹ em còn phải làm đủ nghề từ phụ hồ, cấy thuê, gặt thuê ở xã bên… Tiền công mỗi ngày cũng được từ 50.000-80.000, nhưng lại không ổn định, trời mưa và những lúc đau yếu không gượng được mẹ em lại phải nghỉ ở nhà. Hoa xúc động: Khó khăn là vậy, nhưng mẹ vẫn động viên chúng em cố học cho bằng chúng bạn. Mẹ bảo: "Nếu không được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống của các con sau này lại cũng giống như của cha mẹ. Nếu thương bố mẹ, các con phải chăm ngoan, học giỏi để sau này tự kiếm nghề nuôi sống bản thân…".
Không phụ lòng mẹ, Hoa xây dựng kế hoạch học tập thật khoa học, phù hợp với hoàn cảnh của mình. Hoa cố gắng thu xếp học bài vào buổi tối để ban ngày còn giúp mẹ việc đồng áng, cơm nước. Với những nỗ lực đó, nên thành tích học tập của em rất đáng khen. Nhiều năm liền em đạt học sinh khá, giỏi cấp trường. Cô học trò lớp 7 vùng cao chia sẻ: "Em ước sẽ thi đỗ vào trường Đại học kinh tế quốc dân để sau này có điều kiện phụng dưỡng mẹ. Nhưng hiện tại hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, nhiều lần nhìn mẹ vất vả quá mà đổ bệnh, em chỉ muốn xin mẹ cho nghỉ học để phụ giúp gia đình…" - em Hoa ngậm ngùi.
Khát vọng của em Hạ hay em Hoa là tiếng lòng chung của nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh vẫn còn trên 4.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 2000 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, 376 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị bỏ rơi. Đặc biệt, có 70 trẻ em bị nhiễm HIV đang hàng ngày phải đấu tranh với bệnh tật, trong khi điều kiện sống của các em rất thiếu thốn, sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng vẫn lớn. Hàng trăm trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, nhưng vì gia đình quá nghèo không chủ động được kinh phí nên vẫn phải xếp hàng chờ phẫu thuật nhân đạo. Đây đó, vẫn còn những trẻ em nghèo phải bỏ học hoặc không được học lên cao. Vì hoàn cảnh gia đình, vẫn còn nhiều trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại. Hầu hết, trẻ em nghèo ở vùng nông thôn, miền núi đang sống trong hoàn cảnh vật chất thiếu thốn, không có điều kiện vui chơi, giải trí…
Những câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Bằng trái tim nhân ái, những người có tấm lòng hảo tâm đã lắng nghe được khát vọng của trẻ em nghèo. Và những ước mơ của các em học sinh nghèo hiếu học ấy đã và đang được chắp thêm đôi cánh, thêm sức mạnh, bởi đã có rất nhiều doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và tổ chức xã hội sát cánh, động viên và giúp đỡ cho sự học của các em bằng những việc làm thiết thực như: tặng học bổng, tặng sách vở, xe đạp.... Điển hình trong các hoạt động ấy là các đơn vị: Doanh nghiệp Xuân Trường, Doanh nghiệp Xuân Thành, Công ty Bảo Việt nhân thọ tỉnh Ninh Bình, Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel…Bé Trịnh Như Quỳnh, sinh năm 2009 ở xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô là một trong nhiều trẻ có cơ hội được đến trường bằng tình yêu, sự sẻ chia của cộng đồng. Ôm đứa con gái bé bỏng vào lòng, anh Trịnh Đình Chanh không sao ngăn nổi dòng nước mắt. Anh và gia đình quá đỗi hạnh phúc khi chứng kiến ngày con mình chuẩn bị được đến trường. Anh Chanh tâm sự: Tôi lập gia đình năm 2008. Hạnh phúc của vợ chồng tôi được nhân lên khi con gái đầu lòng chào đời năm 2009. Nhưng sau khi bé chào đời, chúng tôi phát hiện bé có những biểu hiện bất thường về sức khỏe. Đưa cháu đi khám, bác sĩ kết luận cháu bị bệnh tim bẩm sinh, giải pháp duy nhất là phải làm phẫu thuật. Gia đình tôi cũng tính đưa cháu đi phẫu thuật theo lời khuyên của bác sĩ, nhưng ngặt nỗi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, biết lấy đâu ra chi phí cho cuộc phẫu thuật? Xoay sở đủ cách nhưng vẫn bế tắc. Thế rồi gia đình tôi làm đơn xin trợ giúp mổ tim và đã được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đồng ý hỗ trợ ca phẫu thuật vào tháng 9/2010. Đến nay, sức khỏe của cháu rất tốt và cháu đã sẵn sàng bước vào lớp 1 như bao bè bạn cùng trang lứa vào tháng 9 tới.
Tính riêng trong năm 2014, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo phòng Lao động Thương binh Xã hội các huyện, thành phố rà soát, lập danh sách 225 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ em khuyết tật vận động, trẻ em sứt môi hở vòm miệng có nhu cầu phẫu thuật. Trong năm, đã tổ chức phẫu thuật an toàn cho 70 trẻ em, trong đó có 60 trẻ em bị khuyết tật vận động, bị sứt môi, hở vòm họng, 10 trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh… Vừa qua, tỉnh ta cũng tiếp nhận 300 triệu đồng từ Bệnh viện Tim Hà Nội tài trợ mổ tim cho những trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đây là những hoạt động thiết thực nhất để tiếp sức cho các em khuyết tật có đủ sức khỏe, điều kiện để thực hiện ước mơ tới trường.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em của tỉnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, xác định đây là giải pháp hiệu quả để chắp nối "trái tim đến với trái tim". Nhiều hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, thông qua các phóng sự về những trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp... đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng và đạt những kết quả đáng mừng. Quỹ đã thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của các tổ chức, các doanh nghiệp và cả cộng đồng.
Nguồn quỹ này sẽ được dùng để hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em bị khuyết tật… Bà Nguyễn Thị Hằng cho biết: Đây là nguồn động viên hết sức có ý nghĩa và thiết thực đối với gia đình các học sinh nghèo. Sự ủng hộ của các nhà hảo tâm luôn được chúng tôi trân trọng và xác định phải sử dụng sự giúp đỡ này một cách hiệu quả nhất. Trong nhiều năm qua, nhờ sự động viên, quan tâm kịp thời của các nhà hảo tâm trong cả nước, đã giúp cho hàng nghìn cháu có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, nhiều cháu giờ đây đã thành đạt và lại tiếp tục có những đóng góp trở lại.
Cùng với đó, Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã tạo mọi điều kiện để trẻ em khuyết tật được đến trường. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 877 trẻ khuyết tật từ độ tuổi 2 đến 16 tuổi được học tập giáo dục hòa nhập tại các trường học từ mầm non đến THCS trên địa bàn toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ trên 66% số trẻ khuyết tật được đến trường học. Nhằm động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em khuyết tật đi học, các trường trên địa bàn tỉnh đã tăng cường đầu tư, cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị, đáp ứng nhu cầu giáo dục hòa nhập. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo còn phối hợp tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật; thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề trao đổi, rút kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng cho giáo viên trực tiếp dạy học sinh khuyết tật; rà soát, phân loại trẻ em khuyết tật trong độ tuổi; phối hợp với ngành Y tế và các tổ chức liên quan nhằm phát hiện sớm trẻ khuyết tật…
Bài, ảnh: Thu Hằng