P.V: Xin chào chị Trần Thị Viên, cảm ơn chị đã tham gia vào chuyên mục Gặp gỡ cuối tuần của Báo Ninh Bình. Là một nông dân, song chị đã xây dựng được một gia đình hạnh phúc mà nhiều người mơ ước? Chị Trần Thị Viên: (Cười) Tôi kết hôn khá sớm. Chồng tôi là một thanh niên chất phác cùng quê. Những năm sau đó, tôi sinh hai đứa con, một trai, một gái. Cuộc sống của vợ chồng nhà nông còn biết bao khó khăn, song có một sự thật là tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi bởi bên cạnh mình luôn có một người chồng thương yêu vợ con và hai đứa con chăm ngoan, học giỏi. Có lẽ, chăm chỉ gom góp yêu thương đã tạo cho chúng tôi một cuộc sống hạnh phúc như hiện tại.
P.V: Chị quan niệm như thế nào là hạnh phúc?
Chị Trần Thị Viên: Với nhiều người, hạnh phúc là điều to tát, thậm chí là khó kiếm tìm. Song với chúng tôi, hạnh phúc gia đình rất bình dị. Hạnh phúc là khi được yêu thương và san sẻ. San sẻ với nhau cả nỗi buồn, sự thất bại trong cuộc sống để những nỗi buồn vợi bớt. Khi nào gặp khó khăn trong cuộc sống, khi buồn, hay vui… thì gia đình đều là nơi đầu tiên mình muốn trở về và người chồng/vợ là người đầu tiên mình muốn sẻ chia mọi nỗi niềm trong cuộc sống. Từ đó, niềm tin giữa vợ chồng tăng lên. Và chỉ khi niềm tin đối với nhau được trọn vẹn thì hạnh phúc sẽ đong đầy.
P.V: Có câu, trong những con người làm nên hạnh phúc, ta thấy ít nhất có một con người quên mình thực sự. Điều này có đúng với gia đình chị?
Chị Trần Thị Viên: Thực ra, để vun đắp được một gia đình hạnh phúc, thì mỗi thành viên trong gia đình đều phải đóng góp trách nhiệm của mình ở trong đó. Tuy nhiên, đúng là trên thực tế, người phụ nữ bao giờ cũng là người phải nỗ lực nhiều hơn, thậm chí hi sinh nhiều thứ hơn. Và tôi cũng không phải là một ngoại lệ.
Để có được cuộc sống khá đầy đủ như bây giờ, vợ chồng tôi đã trải qua quãng thời gian khó khăn. Hai vợ chồng tôi tay trắng lập thân, lại sinh con khá dày nên cuộc sống rất khó khăn. Không lâu sau ngày chúng tôi về chung một mái nhà thì bố mẹ chồng lần lượt qua đời. Đó thực sự là quãng thời gian khó khăn đối với chồng tôi. Tôi đọc được nỗi buồn trong ánh mắt của anh, nhưng tuyệt nhiên, anh chưa bao giờ than vãn hay tỏ ra bi quan về hoàn cảnh của mình.
Điều đó, làm tôi càng thêm khâm phục và yêu anh nhiều hơn. Tôi luôn cố gắng thu vén mọi việc trong gia đình, rồi quan hệ tốt với họ hàng hai bên, với hàng xóm láng giềng để anh không phải bận lòng thêm vì điều gì. Còn chồng tôi, cũng không đành lòng để vợ con sống vất vả, anh ấy khăn gói đi làm ăn xa. Tuy nhiên, công việc không như mong đợi, thu nhập của anh ấy chẳng đủ để trang trải chi phí ăn ở, sinh hoạt hàng tháng. Vậy là vợ chồng thống nhất để anh ấy trở về làm tại nhà. "Tuổi trẻ, chỉ cần cố gắng nhiều hơn thì cuộc sống sẽ tươi sáng"- đó là điều vợ chồng tôi vẫn thường động viên nhau. Trở về quê, chúng tôi thầu thêm 3 mẫu ruộng để cày cấy, ngoài ra đào ao, thả cá, trồng rau màu…
Công việc nhà nông bận rộn, vất vả quanh năm, vậy nhưng với chúng tôi mỗi giây phút cùng nhau làm việc, cùng nhau chia sẻ những thất bại hay niềm vui mỗi khi được mùa hay đơn giản hơn là gánh rau bán đắt khách… lại là quãng thời gian thư thái và hạnh phúc nhất. Vất vả là vậy, song xác định con cái là "của để dành", nên cả hai vợ chồng đều dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy con cái đến nơi đến chốn. Hai đứa trẻ đang tuổi đến trường, cháu lớn học lớp 6, cháu nhỏ lên lớp 4, đứa nào cũng ngoan ngoãn và học giỏi. Những điểm 10 đỏ chói, chiếc giấy khen vào cuối năm… là những niềm vui lớn khiến hạnh phúc gia đình tôi càng thêm đong đầy.
P.V: Được biết, chị là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 14, xã Ân Hòa. Những kinh nghiệm nào trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình được chị chia sẻ với hội viên?
Chị Trần Thị Viên: Thực ra, hạnh phúc chính là những điều giản dị nhất trong cuộc sống. Hãy quan tâm đến những việc nhỏ như chuẩn bị cho chồng, con bộ quần áo mới, lấy cho chồng ly nước sau khi anh ấy vừa lao động vất vả hay quan tâm đến mỗi bữa cơm của gia đình. Với gia đình tôi, cả nhà đều ăn cùng một mâm cơm cả 3 bữa trong ngày, vậy nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy nhàm chán, bởi đó cũng là khoảnh khắc mà cả nhà đoàn tụ sau khoảng thời gian ngắn xa nhau: người lớn đi làm, trẻ con thì đi học. Bữa cơm nhà tôi rất đơn giản, song điều tôi luôn chú ý đó là phải quan tâm đến sở thích và sức khỏe của từng thành viên trong gia đình để lựa chọn thực đơn cho bữa ăn. Những câu chuyện được các thành viên trong gia đình kể trong bữa ăn cũng có sự lựa chọn. Thường thì chúng tôi chỉ nói những chuyện vui vẻ, hoặc là sự quan tâm, săn sóc, hỏi thăm nhau về công việc hay việc học hành của các con. Từ những bữa cơm đầm ấm ấy đã vun đắp những mối quan hệ tình cảm ấm áp giữa các thành viên. Đó cũng chính là hạnh phúc gia đình đơn sơ, mộc mạc nhưng lại đáng trân trọng biết bao.
P.V: Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi, chúc chị và gia đình thêm nhiều thành công trong cuộc sống và đặc biệt là luôn giữ được ngọn lửa yêu thương trong ngôi nhà nhỏ của mình!
Đào Hằng (thực hiện)