Nghề "cha truyền con nối"
Ông trưởng thôn Trần Văn Đáp vui vẻ dẫn chúng tôi đến thăm một số hộ đang làm nghề trong thôn. Qua các ngõ xóm, đâu đâu cũng thấy không khí lao động sôi nổi. Già, trẻ, nam, nữ đều tay làm, miệng trò chuyện mà vẫn đều tay đan, cho "ra lò" những sản phẩm "chuẩn chỉ". Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Thức ở xóm 7 tập trung 4 - 5 người đang làm. Anh Thức cho biết: Gia đình tôi thường xuyên tập trung 8 - 10 người làm nên không khí lao động lúc nào cũng vui vẻ.
Không tổ chức thành quy mô tổ hợp hay doanh nghiệp nhưng cứ nhà nào rộng rãi, mát mẻ, thuận tiện cho việc làm nghề là bà con lại tập trung để làm. Là nghề truyền thống, không biết đã có từ bao đời nhưng "cha truyền con nối" nên từ cụ già 60, 70 tuổi đến đứa trẻ lên 9, 10 đã thạo việc vót tre, kỹ thuật đan thúng, mủng, giần, sàng… theo nhu cầu của khách hàng và thị trường.
Do là nghề lâu năm, có tiếng trên thị trường nên hiện giờ việc bao tiêu sản phẩm khá "nhàn". Người làm nghề yên tâm sản xuất, không phải mang đi bán rong, bán tại chợ mà có các cơ sở về tận làng để đặt và mua sản phẩm. Giới thiệu với chúng tôi về những sản phẩm của làng nghề, ông trưởng thôn chia sẻ: Những sản phẩm trước kia "đắt hàng" như: giần, sàng, nong, nia… giờ ít xuất hiện do nhu cầu của người tiêu dùng hướng tới sản phẩm hiện đại như: nhựa, nhôm… và việc sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại.
Người làng La Bình giờ chủ yếu đan thúng để cung cấp cho các cơ sở, doanh nghiệp liên quan đến xây dựng. Lượng khách hàng tuy có giảm nhiều so với trước nhưng số lượng sản phẩm làm và bán ra lại tăng mạnh hơn. Đan thúng hàng ngày cho thu nhập khá cao: trung bình một lao động cũng có thu nhập từ 30-50 nghìn đồng/ngày mà gia đình nào trong làng cũng phải có từ 3-4 lao động làm nghề. Do đó, ngoài những ngày mùa màng bận rộn, còn lại các ngày trong năm, người dân La Bình gắn bó với tre, nứa và thúng, mủng. Thu nhập bình quân đầu người ở La Bình đạt mức 9 triệu đồng/năm, là mức thu nhập cao so với mặt bằng chung của xã.
Để làng nghề ngày càng phát triển
Gặp gỡ và trò chuyện với ông Vũ Xuân Bình, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Vân, chúng tôi được biết: Nghề đan thúng đã thu hút trên 500 lao động toàn xã, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn La Bình và thôn Đông Thịnh, chiếm 1/2 số lượng lao động của xã. Chỉ tính riêng thu nhập từ làng nghề truyền thống hàng năm đã cho giá trị khoảng 4 tỷ đồng/năm trong tổng số 6 tỷ đồng là giá trị thu nhập từ các ngành nghề của xã.
Cùng với việc đẩy mạnh và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, sự phát triển của ngành nghề tiểu thủ công được Đảng ủy, chính quyền xã quan tâm. Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển ngành nghề tiểu thủ công, xây dựng các giải pháp để thúc đẩy việc phát triển và mở rộng nghề truyền thống đan thúng thông qua các hoạt động cụ thể như: tạo vốn, chuyển giao KHKT, mở các lớp đào tạo nghề, tạo điều kiện về mặt bằng… nên nghề truyền thống ở địa phương cùng các nghề mới như: mây tre đan, đan cói, bèo bồng, bẹ chuối, nấm… có điều kiện và cơ hội phát triển.
Đặc biệt, năm 2007 làng nghề đan thúng La Bình được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là làng nghề truyền thống đã tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của làng nghề, tạo sự phấn khởi và động viên các hộ làm nghề. Hiện nay, không chỉ chuyên sản phẩm thúng như mấy năm trước, người dân làng nghề đã nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, bắt nhịp để đưa một số nghề mới nhưng có kỹ thuật tương tự nghề đan thúng vào làm như nghề mây tre đan.
Bùi Diệu