Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Ban kiêm Chánh thư ký GHPG Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Phó trụ trì Chùa Bái Đính cho biết: Lễ Vu lan bắt nguồn từ sự tích tấm gương hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên - cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Từ tấm gương hiếu hạnh của Bồ Tát Mục Kiền Liên, lễ Vu Lan ra đời và trở thành ngày lễ lớn của Phật giáo ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu á. Lễ Vu Lan hằng năm diễn ra vào ngày 15/7 (Âm lịch). Qua hàng nghìn năm, lễ Vu Lan không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà dường như đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, có ảnh hưởng sâu sắc đối với văn hóa cũng như đời sống tinh thần của mỗi người dân đất Việt. Mỗi mùa Vu Lan là dịp để những người con tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, tổ tiên; nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con phải luôn "Một lòng thờ mẹ kính cha- Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".
Thực hiện lễ Vu lan, vào dịp trước Rằm tháng bảy, ở nhiều từ đường, nơi thờ tự của dòng họ, các con, cháu thường tụ họp về đông đủ, cùng nhau bày lễ phẩm gồm xôi thịt, bánh trái, hương hoa, thắp nén hương thơm và cúi lạy tạ tổ tiên.
Các nghi lễ được thực hiện bắt đầu từ người cao tuổi đến con cháu các thế hệ đời trước, đời sau, cùng với tiếng trống âm vang là những lời cầu nguyện với bậc tổ tiên, mong muốn được phù hộ độ trì, tiếp thêm sức mạnh để con cháu đoàn kết, tích cực học tập, lao động sản xuất, vươn lên có cuộc sống hạnh phúc, bình an.
Còn tại các gia đình, nhiều người thường thắp đèn nhang, bày hoa quả, bánh trái cúng ở bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên. Còn tại các ngôi chùa lớn trên địa bàn tỉnh, như tại chùa Bái Đính, vừa qua, Pháp hội Vu lan báo hiếu đã diễn ra với những nghi lễ trang trọng, thiêng liêng, thu hút hàng nghìn người dân đến tham gia các nội dung như: Giảng kinh về đạo hiếu, lễ bông hồng cài áo, thả đèn hoa đăng, lễ cầu siêu…
Lễ Vu lan là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; tuy nhiên, hiện nay, ngày lễ Vu lan vẫn đang còn để yếu tố mê tín dị đoan chi phối, như việc nhiều nhà chùa, nhiều người dân còn lạm dụng đốt quá nhiều vàng mã. Tình trạng lạm dụng đốt vàng mã, cho rằng phải mua nhiều xe cộ, voi ngựa, hình nhân thế mạng, tiền vàng, các vật dụng hiện đại càng giống với đời sống thật trên trần gian càng có giá trị với các vị thần linh và người đã khuất trong dịp lễ Vu lan không còn mang ý nghĩa tâm linh mà đã biến tướng thành những hoạt động mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Từ tích Vu lan báo hiếu, qua quá trình du nhập và phát triển, đến hôm nay giá trị văn hóa này đã trở thành một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Không chỉ hiếu kính cha mẹ, mà thế hệ con, cháu hôm nay đang bằng nhiều hoạt động ý nghĩa để tri ân những người có công lao với đất nước, hướng đến những việc làm thiện nguyện vì cuộc sống cộng đồng; sống chân thành, nhân ái hơn, khẳng định tình yêu thương trong mỗi người cần được lan tỏa, tạo thành phong trào, nét đẹp trong cuộc sống.
Vừa qua, một trong những hoạt động ý nghĩa của BTC Cuộc thi Người đẹp Hoa Lư 2018 là đã tổ chức cho 20 thí sinh vào vòng Chung kết đến thăm, tặng quà và giao lưu với các thương, bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan. Tại đây, nhiều thí sinh đã rưng rưng xúc động, rơi nước mắt trước những câu chuyện về tấm gương hi sinh, chuyện những thương, bệnh binh đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, có người mất một phần xương máu, đôi mắt, mang bệnh tật suốt đời, mãi mãi không tìm được cho mình một hạnh phúc riêng…
Trong khán phòng cuộc gặp mặt, các bạn trẻ - những cô gái mới mười tám, đôi mươi, chưa từng trải và rất ít biết về các cuộc chiến tranh được cùng gặp gỡ, giao lưu văn nghệ với các thương, bệnh binh. Những lời ca, câu hát về quê hương, đất nước, những bài ca chiến trận, một thời hoa lửa… như thắp lên ngọn lửa tri ân của các bạn trẻ hướng về quá khứ, về những Anh hùng thời chiến tranh đang hiện hữu nơi này.
Những "bằng chứng sống", bằng da bằng thịt ấy đã khẳng định, có những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng của các thương, bệnh binh, một tinh thần thép "Quyết tử vì Tổ quốc" và những vết thương hằn trên cơ thể của họ… thì hôm nay, mỗi chúng ta, mỗi người dân Việt Nam mới có thể có được cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Và chắc rằng đối với mỗi thí sinh, các em sẽ giữ riêng cho mình những cảm xúc đặc biệt, trong đó hơn tất cả là niềm tự hào, biết ơn công lao to lớn của các thế hệ cha ông, từ đó thôi thúc mình phải nỗ lực, cố gắng hơn trong học tập, công tác, rèn luyện, để tiếp nối truyền thống xây dựng cuộc sống hôm nay ngày càng phồn vinh, thịnh vượng…
Hạnh Chi