Những ngày tháng 2, nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố Ninh Bình và dọc đường quốc lộ trên địa bàn huyện Gia Viễn được trưng những tấm biển lớn: "Giải cứu dưa hấu", với hàng chục tấn dưa hấu ở miền Nam đưa ra, nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều người dân.
Anh Đinh Văn Hà, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Tôi đi công tác qua, thấy hàng bãi dài dưa hấu xanh, cuống còn tươi được thông báo bán với giá 6 nghìn đồng/kg, ghi rõ giải cứu dưa hấu do dịch bệnh không xuất khẩu sang được Trung Quốc.
Trước tình hình khó khăn của người nông dân, mình cũng nên chung tay ủng hộ, nên tôi mua luôn chục quả, gần 5 chục kg, cho vào cốp xe, mang về ăn, rồi biếu người thân, hàng xóm... Tôi thấy cũng có khá nhiều người dừng xe mua dưa hấu, trong thời gian ngắn mà có hàng trăm quả dưa được chọn mua, chứng tỏ cũng nhiều người quan tâm đến vấn đề này và cùng có hành động trợ giúp.
Được biết, trước diễn biến của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) gây ra đã ảnh hưởng đáng kể đến nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh, trong đó có nhiều loại trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, xoài... trước đây chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nay gặp nhiều khó khăn, rớt giá.
Để chung tay với người sản xuất, cộng đồng khắp nơi trong cả nước, từ các tổ chức, cá nhân đến các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, nhà hàng..., đã và đang cùng nhau thực hiện và kêu gọi trợ giúp, giải cứu nông sản. Đây là hành động đẹp, đầy tính nhân văn đã được thực hiện nhiều lần trước đây và lần dịch bệnh Covid-19 này càng được nhân rộng, thực hiện hiệu quả hơn, góp phần hỗ trợ cho những người nông dân trong giai đoạn khó khăn.
Cùng với những việc làm cụ thể, thiết thực "giải cứu" nông sản, nhiều cá nhân cũng chung tay vì cộng đồng trước tình trạng khan hiếm máu mùa dịch bệnh. Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, các Bệnh viện điều trị thiếu trầm trọng, lượng máu dự trữ giảm đến mức báo động. Việc phát động phong trào hiến máu tình nguyện vào thời điểm này là một việc làm vô cùng ý nghĩa dành cho cộng đồng.
Giữa tháng 2, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phát động sâu rộng phong trào hiến máu tình nguyện trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, kết quả đạt được cao hơn nhiều so với dự kiến, cả về số lượng người đăng ký tham gia hiến máu và số lượng đơn vị máu đạt được, với gần 700 người tham gia, thu được gần 600 đơn vị máu, kịp thời cung cấp nguồn máu thiếu cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cơ sở điều trị khác trên địa bàn.
Anh Phạm Trung Toàn, Công nhân Công ty Hóa chất mỏ Bắc Trung Bộ (thành phố Tam Điệp) chia sẻ, khi được tuyên truyền, vận động, đặc biệt nắm bắt được tình hình khan hiếm máu do dịch bệnh Covid-19, mặc dù chưa đến định kỳ hiến máu (mỗi năm tôi thực hiện hiến máu 1 lần, đã duy trì 5 năm nay), nhưng tôi thấy sức khỏe khá tốt nên cùng một số người bạn tự nguyện đăng ký tham gia.
Chúng tôi nghĩ rằng, những lúc khan hiếm máu như thế này, mỗi giọt máu cho đi và nhận được càng quý hiếm và trân trọng hơn. Hy vọng rằng, mỗi người góp sức một chút, sẽ có thêm nhiều người bệnh cần máu được duy trì sự sống, lan tỏa thêm những hành động đẹp, nhân ái trong xã hội.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn sẵn sàng bỏ kinh phí hàng trăm triệu đồng mua khẩu trang y tế, nước sát khuẩn cho hàng nghìn công nhân lao động, tăng giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn tập thể để người lao động có sức khỏe, yên tâm làm việc...
Nhiều tập thể, cá nhân, các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp... cũng chung tay, góp sức bằng những hành động thiết thực, như tặng khẩu trang, nước sát trùng, nước rửa tay, xà phòng miễn phí..., để người dân chủ động phòng bệnh.
Những tình cảm, truyền thống tốt đẹp ấy luôn được người dân Việt Nam phát huy, duy trì từ bao đời nay, nhất là trong những giai đoạn, thời điểm khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn... khẳng định, tình cảm, sự yêu thương, chia sẻ của mỗi người là thứ cần thiết và tốt đẹp trong cuộc sống, giúp cho mọi khó khăn, hoạn nạn đều có thể được giải quyết, vượt qua và đẩy lùi.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh