Trở lại xã ân Hòa sau 5 năm, điều tôi cảm nhận rõ nhất về sự thay đổi của miền quê nơi đây là những con đường đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, không còn cảnh lầy lội và ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư như trước đây. Theo như lời đồng chí Vũ Văn Minh, Phó Bí thư đảng ủy xã ân Hòa: ân Hòa có tỷ lệ đồng bào công giáo chiếm trên 70% dân số.
Chính vì thế Đảng bộ và chính quyền xã xác định phải xây dựng được sự đoàn kết, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trực tiếp xuống các xóm, cùng cấp ủy, Ban Công tác Mặt trận bàn bạc, thống nhất, triển khai các nội dung thực hiện.
Một số nhiệm vụ ban đầu được xác định là khó khăn như làm đường nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa, hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công …nhưng do làm tốt công tác dân vận nên người dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi của bản thân, gia đình từ đó nhiệt tình hưởng ứng và trở thành phong trào thi đua giữa các thôn xóm.
Từ các phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương đảng viên tiêu biểu như ông Trần Văn Điệu, Bí thư chi bộ xóm 6. Là cựu chiến binh trở về địa phương, ông Điệu được tín nhiệm và bầu làm thư ký của Ban chấp hành giáo xứ Khiết Kỷ. Với tư tưởng "kính chúa- yêu nước", khi tham gia các hoạt động ở giáo hội ông không phân biệt lương giáo, gia đình nào trong xóm có hiếu, hỷ đều vận động bà con chung tay. Thời gian tham gia BCH giáo xứ cũng đã giúp ông có uy tín với bà con giáo dân vì vậy khi được giao trọng trách là Bí thư chi bộ ông được đảng viên và nhân dân rất tin tưởng và ủng hộ.
Ông Điệu tâm sự: "Người công giáo rất thích học những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác, bởi tư tưởng, đạo đức của Người gần gũi, đời thường, phù hợp với giáo lý của người công giáo là khuyên con người phải sống lương thiện, biết yêu thương đồng loại, yêu dân tộc".
Để phong trào dễ đi vào lòng dân hơn, Ông Điệu đã triển khai phong trào học theo Bác đến các đảng viên và quần chúng nhân dân thông qua những việc làm cụ thể như vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, hưởng ứng phong trào khuyến học ở vùng công giáo…và đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới ông đã vận động bà con trong thôn hiến đất và đóng góp để xây dựng giao thông nông thôn. Bản thân gia đình ông đã hiến gần 100 m2 và đóng góp gần 10 triệu đồng để làm đường giao thông.
Đồng chí Bùi Thị Thúy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kim Sơn cho biết: Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có sức lan tỏa trong nhân dân nói chung và đồng bào công giáo Kim Sơn nói riêng, tại các hội nghị, các buổi tiếp xúc, giao lưu với các chức sắc, chức việc tôn giáo, nội dung về tấm gương đạo đức của Bác luôn được lồng ghép vào các công việc cụ thể hằng ngày.
Qua đó, đã làm nhận thức và hành động của đồng bào công giáo thay đổi tích cực, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương.
Tiêu biểu trong các phong trào đó phải kể đến phong trào hiến giác mạc. Đặc biệt kể từ tháng 4/2007, khi cụ Nguyễn Thị Hoa ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn là người đầu tiên hiến tặng giác mạc, đến nay có 3/4 số người tình nguyện hiến tặng trong cả nước là người Kim Sơn, một nghĩa cử cao đẹp nhưng chưa hề có tiền lệ ở nước ta.
Với họ, cho đi giác mạc để người khác có thể tìm lại ánh sáng cũng là một cách nghe theo lời dạy sống nhân ái của Đức Chúa và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch.
Trong cái nắng dịu dàng của những ngày cuối thu, chúng tôi tìm về Cồn Thoi, xứ đạo bình yên nép mình bên con đê biển thuộc địa phận huyện Kim Sơn. Địa danh Cồn Thoi được người dân cả nước biết đến vì có người Việt Nam đầu tiên hiến giác mạc. Cồn Thoi có gần 90% là người công giáo nên việc vận động bà con "kính Chúa yêu nước, thương yêu người thân" cũng nhanh chóng đi vào lòng người, cái tình của người khi mất để lại cho người còn sống được mọi người trân trọng.
Điều làm nên sức thuyết phục của phong trào tình nguyện hiến giác mạc ở Cồn Thoi đó chính là đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ, các cộng tác viên đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào bằng cách đăng ký tham gia hiến tặng giác mạc. Chủ tịch UBND xã Cồn Thoi cho biết: Hiện xã có hơn 200 người đăng ký hiến giác mạc và có gần 100 người đã hiến giác mạc thành công.
Điển hình trong phong trào hiến giác mạc ở Cồn Thoi phải kể đến ông Nguyễn Đình Tú, nguyên Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã và cha xứ Đoàn Minh Hải là hai người đặc biệt tận tâm trong vận động hiến giác mạc ở Cồn Thoi. Bản thân gia đình ông Tú đã có con gái hiến giác mạc.
Còn cha xứ Đoàn Minh Hải cũng nguyện "khi chúa gọi tôi về tôi sẽ hiến giác mạc. Cho đi để mang lại hạnh phúc cho những người khác, cho cuộc đời mới, điều ấy vô cùng ý nghĩa và ai cũng nên làm".
Những "con đường sáng" đã được mở từ chính tấm lòng của những người dân bình dị. Con người rồi ai cũng phải ra đi nhưng như cụ Hoa, ông Tú, cha Hải… ánh sáng từ tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của họ sẽ còn mãi trong tim những người đang sống. Đồng chí Bùi Thị Thúy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kim Sơn chia sẻ: Phong trào tình nguyện hiến giác mạc đã có sức lan tỏa trong đồng bào công giáo và nhân dân huyện Kim Sơn.
Hiện nay, toàn huyện đã có trên 10 nghìn người đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời, trên 200 người hiến tặng giác mạc thành công, giúp nhiều người mù nhìn thấy ánh sáng, chiếm 67,4% số người hiến tặng giác mạc trong toàn quốc.
Những đơn vị tiêu biểu đã có nhiều người hiến tặng giác mạc như: Cồn Thoi, Văn Hải, Kim Mỹ, Kim Tân, Định Hóa, Thượng Kiệm, Đồng Hướng, Như Hòa, Kim Chính, Chất Bình, Thị trấn Phát Diệm. Đó không chỉ là niềm hạnh phúc của những người được nhận hay niềm vui của những người hiến tặng mà là sự trân trọng của xã hội dành cho những người "sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình".
Phúc Nguyên