Đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nho Quan cho biết: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão, Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh tới các tầng lớp nhân dân với mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lụt gây ra; phát hiện sớm, khống chế và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên toàn huyện; giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất, khống chế không để dịch bệnh lan rộng…
Cùng với đó, đối với các địa phương nằm trong vùng thường xuyên ngập lụt và có khu vực dân cư ngoài đê, Trung tâm y tế huyện chỉ đạo cán bộ các trạm y tế xã thường xuyên bám sát địa bàn, nhất là những nơi năm trước xuất hiện ổ dịch để tuyên truyền, vệ sinh môi trường, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời.... Tại Trung tâm y tế huyện, việc chuẩn bị các điều kiện phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão được xây dựng kỹ càng, chặt chẽ. Trung tâm y tế huyện luôn dự trữ đủ cơ số thuốc, đồng thời hợp đồng với công ty dược đảm bảo thường xuyên 15 cơ số thuốc, hóa chất, khi có dịch bệnh xảy ra nhanh chóng phân bổ xuống các địa bàn.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Nho Quan phun thuốc khử trùng tại xã Văn Phương (Nho Quan). Ảnh: Minh Quang
Trung tâm hiện đang có 4 máy phun hóa chất khử trùng, 1 máy phát điện, 1 xe chuyên dụng, thường xuyên được bảo dưỡng, duy trì, đảm bảo hoạt động tốt khi dịch bệnh xảy ra. Đồng thời Trung tâm kiện toàn 2 đội phòng chống dịch lưu động, mỗi đội 4 người, có đủ phương tiện như xuồng, áo phao, các vật tư, trang thiết bị khác theo yêu cầu phòng chống dịch. Bên cạnh đó, công tác y tế dự phòng và điều trị được phối kết hợp chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện, chẩn đoán sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại các vùng bị ảnh hưởng lũ lụt. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất và trang thiết bị cần thiết, cấp phát trước các cơ số thuốc cho các trạm y tế và người dân; đồng thời thực hiện nghiêm túc chế độ khai báo thông tin, báo cáo thường xuyên, định kỳ để có phương án triển khai, chỉ đạo thực hiện. 9 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn huyện Nho Quan không để xảy ra dịch bệnh lớn, một số ổ dịch nhỏ xuất hiện được khoanh vùng xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng.
Thạc sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra mưa to, dông gió trên diện rộng, thời tiết mưa ẩm kéo dài nhiều ngày. Mưa, bão, lũ lụt dễ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh. Để chủ động ứng phó với dịch bệnh nói chung, các loại bệnh có thể phát sinh trong mùa mưa bão nói riêng, ngành Y tế tỉnh chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các huyện, thành phố triển khai các bước phòng, chống, khắc phục hậu quả do mưa bão, lũ lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, không để dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, thiếu thốn, đảm bảo các mục tiêu đặt ra là: Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên và xử lý kịp thời không để dịch lan rộng; 100% ca bệnh dịch phải được khoanh vùng xử lý kịp thời; 100% trạm y tế các xã chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất đầy đủ theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra; 100% các đơn vị, cơ quan, trường học, thôn xóm, các tổ dân phố được phổ biến về tình hình, sự nguy hiểm của dịch bệnh...
Kết quả, riêng trong tháng 9 năm 2019, đa số các ca bệnh truyền nhiễm ghi nhận số trường hợp mắc giảm so với cùng kỳ năm 2018 (24/28 bệnh). Có 4/28 bệnh có trường hợp mắc tăng là: 9 trường hợp lỵ amip, 24 ca sốt xuất huyết, 7 ca tay chân miệng và 24 trường hợp mắc thủy đậu. Cũng trong tháng 9 ghi nhận 2 ổ dịch sốt xuất huyết ở thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô và xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, không có trường hợp tử vong. Hiện trên địa bàn không xảy ra các ổ dịch lớn, chỉ số ít các ổ dịch bệnh nhỏ và được ngành Y tế khống chế, xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.
Dự báo thời gian tới bắt đầu giao mùa chuyển từ mùa thu sang đông, có thể xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm mới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo với người dân cần thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, hạn chế đến nơi đông người, thực hiện ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh, khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Cụ thể như, đối với nhóm bệnh truyền nhiễm bằng đường hô hấp (cúm, viêm phế quản, sởi...), người dân cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh. Nhóm bệnh đường tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy cấp, ngộ độc thức ăn do vi khuẩn, bệnh tay chân miệng...), người dân cần duy trì và đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh sâu rộng trong cộng đồng; tập trung vào 3 biện pháp chính là ăn chín, uống sôi và vệ sinh bàn tay, đồ dùng sạch sẽ; đảm bảo nguồn nước sạch; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, kiểm tra xử lý chất thải. Các bệnh lây truyền qua đường máu (viêm não Nhật Bản, sốt rét, sốt xuất huyết), cần loại trừ sự phát sinh, phát triển của đàn muỗi, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, ngăn nắp...
Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, để không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trong cộng đồng, ngành Y tế tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình bằng việc quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh môi trường sống, ăn uống đảm bảo vệ sinh... Đặc biệt khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch trong cộng đồng.
Mỹ Hạnh