Là một người lính, sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, anh Ngô Văn Điều đã chọn nghề sản xuất miến dong. Khởi đầu làm miến theo phương thức thủ công, mỗi tháng vợ chồng anh chỉ làm được 600 kg miến khô, chủ yếu là bán lẻ, thu nhập chẳng đáng là bao. Anh đã bỏ nghề chuyển sang làm máy cày bừa, nhưng sau một thời gian anh quay lại với nghề miến dong và duy trì cho đến nay. Nắm bắt được sự phát triển của công nghệ hiện đại, năm 1999, anh Điều đã chuyển từ tráng miến thủ công sang sản xuất bằng máy theo dây chuyền. Anh san lấp 1 sào ao để lấy sân phơi miến, đầu tư gần 30 triệu đồng mua 1 máy tráng miến, 3 máy cắt sợi, ngoài ra anh còn đặt 3 bể lọc bột, xây bếp theo dây chuyền để tráng miến, xây nhà xưởng...
Anh Điều cho biết: Kỹ thuật làm miến dong không khó, nhưng yếu tố quan trọng nhất lại phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, có nắng mới phơi được bánh và miến, những ngày thời tiết nắng, anh tập trung nhân công tráng bánh, ngày mưa thì nghỉ. Nếu như những năm đầu làm nghề bằng phương pháp thủ công, mỗi tháng vợ chồng anh Điều làm được 6 tạ miến khô thì hiện nay, với dây chuyền công nghệ mới mỗi ngày làm được 6 tạ. Là cơ sở sản xuất có uy tín, giờ đây miến dong của gia đình anh đã có mặt ở các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau...
Đồng chí Vũ Văn Kết, Chủ tịch Hội nông dân xã Hùng Tiến cho biết: Trong thời gian tới, Hội nông dân xã Hùng Tiến sẽ tuyên truyền, vận động hội viên nhân rộng mô hình làm miến dong của gia đình anh Điều. Vừa qua anh Điều được dự hội nghị điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện và được công nhận là hội viên nông dân điển hình trang trại và doanh nghiệp nông dân huyện Kim Sơn giai đoạn 2003-2009.
Bùi Lan