Trong căn nhà khang trang, ông Thuân cho chúng tôi biết về cơ duyên để ông chọn con hươu làm con nuôi chủ lực phát triển kinh tế gia đình: Trước đây, cuộc sống gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn do hoàn toàn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Ông đã tìm hiểu và đầu tư nuôi bò nhưng cũng chỉ được vài năm vì nuôi bò cho hiệu quả kinh tế không cao, trong khi công việc của gia đình ông lại không cần nhiều đến sức kéo. Sau đó gia đình ông chuyển sang nuôi nhím nhưng cũng chỉ được vài năm do khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhím giống, nên ông chỉ duy trì có vài đôi. Qua tìm hiểu, ông thấy con hươu rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của Cúc Phương, trong khi đất vườn nhà ông rất rộng rãi. Do đó ông đã quyết định mua một đôi hươu giống về nuôi, mỗi năm hươu mẹ đẻ được một con non và hươu đực cho lấy nhung 2 lứa đạt trọng lượng từ 0,8 - 1kg. Nhận thấy nuôi hươu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần nuôi lợn, gà, bò và làm nông nghiệp, thế là gia đình ông vay thêm tiền mua thêm giống và cải tạo lại chuồng cho phù hợp để chuyên nuôi hươu.
Đến nay, những lúc cao điểm gia đình ông Thuân có từ 14 - 15 con hươu, trong đó 3 con cái sinh sản và 9 con hươu đực đang cho khai thác nhung. Tính bình quân, mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 8-9 triệu đồng/con và như vậy từ nuôi hươu lấy nhung và bán giống, gia đình ông có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm. Giờ đây gia đình ông Thuân đã có của ăn, của để và đang tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, xây dựng tường bao kiên cố để mở rộng mô hình chăn nuôi hươu.
Qua gần chục năm chăn nuôi hươu, ông Thuân cho rằng: Hươu là loại động vật có nguồn gốc hoang dã nên sức đề kháng khá tốt, ít mắc bệnh tật. Nguồn thức ăn chăn nuôi hươu lại dồi dào, phong phú, rất dễ kiếm, có thể đi một vòng ven núi là đủ thức ăn cho hươu hoặc có thể trồng thêm thức ăn cho hươu ở trong vườn, bờ rào,...Tuy nhiên, theo ông Thuân cái khó nhất của người nông dân khi muốn phát triển mô hình chăn nuôi hươu là thiếu vốn và kỹ thuật, vì hầu hết bà con nông dân ở đây đều có xuất phát thấp, kinh tế khó khăn.
Để nhân rộng mô hình nuôi hươu, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho nông dân ở các xã vùng cao của huyện Nho Quan rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền tạo điều kiện cho bà con được vay vốn, được tiếp nhận các quy trình kỹ thuật và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Bài, ảnh: Hồng Giang