Chủ tịch UBND xã Cúc Phương, Đinh Văn Xuân dẫn chúng tôi đến thăm Gia đình anh Đinh Văn Tuấn ở thôn Sấm 3 là một trong những hộ đầu tiên của xã mạnh dạn nhận rừng về trồng. Anh Xuân cho biết, trước đây bà con vùng dân tộc thiểu số ở Cúc Phương có thói quen làm ăn du mục, đốt rừng làm rãy. Phải mất thời gian khá dài cán bộ xã, các đoàn thể vận động, thuyết phục bà con mới từ bỏ thói quen canh tác cũ. Gia đình anh Tuấn hiện nay đang sở hữu trên 12ha rừng. Tận mắt nhìn màu xanh hàng chục ha rừng của anh đang kỳ phát triển, mới thấy hết sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người thanh niên này.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số khu rừng trồng, anh Tuấn bộc bạch: Đầu những năm 2000 tôi bắt đầu khai hoang trồng một vài sào đất đồi xung quanh nhà, lúc ấy không nghĩ đến chuyện gắn bó với Nghề trồng rừng. Khi phong trào trồng cây lâm nghiệp ở địa phương phát triển nhờ có nhiều Chương trình,
Dự án đầu tư hỗ trợ, anh đã mạnh dạn tham gia. Đến nay gia đình anh đã thu hoạch được 2 lứa gỗ keo từ diện tích đồi rừng và đang tiếp tục trồng lứa keo thứ 3.
Anh Đinh Văn Tuấn cho biết với 1 ha rừng trồng sau 6-8 năm thu hoạch có thể thu về 160-170 triệu đồng, trừ chi phí cho thu nhập 120 triệu. Bên cạnh đó gia đình anh còn kết hợp trồng rừng với chăn nuôi các con nuôi đặc sản như dê, bò, gà đồi, lợn rừng… mỗi năm thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng.
Anh Tuấn tâm sự, công việc trồng rừng đã ngấm vào máu anh lúc nào không biết. Hằng ngày mọi người trong xóm, trong thôn ít thấy anh ở nhà, mỗi khi có việc gì cần tìm đến anh thì phải lên rừng mới gặp.
Hiện nay ở xã Cúc Phương có gần 100 hộ nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, mỗi hộ từ 1 ha cho đến vài chục ha. Các hộ trồng rừng đều có kế hoạch khoanh nuôi, tái tạo vốn rừng và khai thác hợp lý. Vì vậy mà diện tích rừng của xã những năm gần đây luôn được giữ ổn định với 140 ha.
Những vùng đồi, núi trọc ở xã Cúc Phương hôm nay đã trở thành những cánh rừng xanh ngút ngàn, có giá trị kinh tế cao và góp phần cải tạo đất bảo vệ môi trường sinh thái. Thành quả ấy cũng có sự góp phần không nhỏ của anh Đinh Văn Tuấn, một người dân tộc có ý chí phấn đấu chịu khó vươn lên làm giàu từ nghề trồng rừng.
Nhật Minh