Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang đào ao nuôi trồng thủy sản, đến nay, mô hình của anh Nguyễn Văn Dương, sinh năm 1989, xóm 4 xã Văn Hải (huyện Kim Sơn) đã dần ổn định. Anh trở thành tấm gương tiêu biểu của thanh niên về ý chí, nghị lực làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Làm giàu từ mô hình nuôi trồng thủy sản
Sau khi học xong, anh Dương đã tìm được công việc ổn định tại Hà Nội. Nhưng vì gia đình, anh trở về quê lập nghiệp để tiện chăm sóc bố mẹ đã cao tuổi. Năm 2010, khởi đầu với 1 mẫu ruộng để cấy 2 vụ lúa trong năm, anh nhiều lần chán nản vì công sức bỏ ra lớn mà hiệu quả từ trồng lúa lại không tương xứng. Khi địa phương có chủ trương cho chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, anh Dương vui như "mở cờ trong bụng", lập tức đăng ký để chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản.
Khát khao làm giàu là vậy, nhưng lúc khởi nghiệp, anh gặp phải rất nhiều khó khăn.
Anh Dương cho biết: Khi mới bắt tay triển khai thực hiện mô hình, tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thời tiết bất thường, cơ sở vật chất thiếu thốn, dụng cụ và kỹ năng kinh nghiệm còn hạn chế... Vay mượn bố mẹ, anh em, bạn bè và số tiền bản thân dành dụm được, tất cả được hơn 100 triệu đồng, tôi dùng để thuê người đào ao, mua giống, cám và xây một căn nhà nhỏ để tiện trông coi ao. Do nguồn vốn eo hẹp, lợi nhuận sau mỗi vụ cá được quay vòng để tái đầu tư, xây dựng mô hình từ nhỏ tới lớn, theo phương châm làm tới đâu chắc đến đó.
Thêm vào đó, thay vì chỉ thả một giống cá, anh tìm hiểu để lựa chọn thêm một số con giống phù hợp để thả chung vào một ao, tận dụng tối đa nguồn thức ăn. Anh chia sẻ: Ngoài giống cá trắm cỏ là giống cá chủ lực, tôi còn thả thêm rô phi, cá mè, chép và tôm thẻ. Mỗi giống sẽ sinh sống ở một tầng nước khác nhau, tạo ra cả một hệ sinh thái chỉ trong một ao. Như vậy sẽ tận dụng tối đa nguồn thức ăn từ vi sinh vật trong nước, lại giúp môi trường ao sạch sẽ hơn.
Cận cảnh những chú cá trắm cỏ nặng 5kg tại mô hình của anh Dương.
Ngoài ra, để đảm bảo "ăn chắc", anh chỉ thả 1 vụ cá/năm. Đến khi thu hoạch hết lứa cá, anh dành thời gian từ 1,5 - 2 tháng để cải tạo và vệ sinh ao sạch sẽ, sẵn sàng cho vụ nuôi tiếp theo.
Theo anh Dương, nhiều hộ nuôi thủy sản thường mắc phải sai lầm là nuôi thả quá mật độ, nuôi 2 vụ/năm để tối đa lợi nhuận trong khi điều kiện ao nuôi, trang thiết bị không hiện đại, không chú trọng khâu cải tạo và vệ sinh ao nuôi... sẽ khiến môi trường nước ô nhiễm, cá dễ mắc bệnh từ đó dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế. Nhiều trường hợp "mất trắng" cả vụ cá cũng chỉ vì vậy. Do đó những người nuôi thông thường nên "đảm bảo ăn chắc", nuôi vụ nào thắng vụ đó, nhất là đối với thanh niên trẻ mới lập nghiệp, khởi nghiệp.
Nhờ phương châm sản xuất đúng, cộng thêm sự cần cù, chịu khó và thông minh, đến nay diện tích nuôi thủy sản của anh Dương đã mở rộng lên 1 ha với 2 ao nuôi. Vụ cá năm nay, anh thả hơn 5 tấn cá trắm giống loại to, dự kiến cuối vụ sẽ thu về hơn 30 tấn cá trắm cỏ để cung cấp ra thị trường. Anh nhẩm tính, cuối vụ sẽ thu về hơn trăm triệu tiền lợi nhuận.
Anh tâm sự: Hết ảnh hưởng của dịch COVID-19 rồi đến năm nay giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên lợi nhuận của các hộ nuôi giảm đáng kể, nhiều hộ chỉ mong hòa vốn. May mắn tôi lựa chọn thời điểm mua cá trắm giống phù hợp nên được giá tốt, cộng thêm lợi nhuận từ tôm và các giống cá khác nên vẫn có lãi. Dù khó khăn là vậy, nhưng tôi vẫn sẽ theo đuổi mô hình nuôi trồng thủy sản và chắc chắn sẽ thành công.