Từ năm 1988, gia đình ông Thụ đã nổi tiếng trong xã vì là gia đình làm kinh tế giỏi với mô hình VAC trên diện tích 2-3 sào đất nông nghiệp . Thời đó, thu nhập mấy chục triệu đồng/năm đối với một hộ nông dân là điều mơ ước của nhiều gia đình nông thôn. Đang làm ăn ổn định bỗng dưng ông Thụ làm cả gia đình, họ hàng, láng giềng bất ngờ vì một quyết định: Nhận diện tích đất bạc màu, xưa nay vốn năng suất kém tại khu vực đất công ích của xã để làm kinh tế. Vợ, con phản đối nhưng ông lại có suy nghĩ khác. Cùng với nguồn vốn gia đình tích cóp được bấy nay, ông vay thêm ở quỹ tín dụng nhân dân 500 triệu đồng về đầu tư xây dựng trang trại. Với diện tích gần 4.000 m2, thời gian đầu ông phải thuê rất nhiều lao động để làm đất, xây dựng chuồng trại, đào ao...
Không phải là nhà kiến trúc, ông cũng tự mày mò thiết kế mô hình trang trại cho riêng mình. Ô này để chăn nuôi gia cầm. Ô này thì thiết kế làm khu chăn nuôi lợn. Khoảng đất chỗ kia thì đào ao thả cá. Diện tích khác thì làm chỗ trồng cây cảnh... Sau mấy tháng lao động vất vả, khu trang trại dần hình thành với mô hình kinh tế mà ông Thụ ấp ủ bấy lâu: trồng cây cảnh, cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi lợn, gà, vịt theo đúng mô hình VAC.
Ngay từ năm đầu tiên, trang trại của ông đã cho thu nhập 450 triệu đồng. Và chỉ sau 2 năm làm mô hình kinh tế mới, mảnh đất cằn cỗi, bạc màu dưới bàn tay lao động cần cù và đầu óc tính toán của ông Thụ đã giúp ông trả được 1/2 số vốn vay ban đầu. Ông tâm sự: Ra làm trang trại từ năm 2003. Trung bình năm nào ông cũng có thu nhập 400- 500 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình ông cũng có lãi khoảng 70- 80 triệu đồng.
Trong quá trình làm trang trại, ông tuân thủ rất nghiêm các quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cũng như cách phòng, chống bệnh. Vì vậy, mấy năm qua, mặc dù nhiều hộ nông dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm rồi bệnh tai xanh ở lợn nhưng trang trại của ông không bị ảnh hưởng. Ông cũng không tổ chức chăn nuôi, trồng trọt theo xu hướng "chạy theo số đông" như những hộ khác mà luôn tính toán, cân nhắc và nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường để thay đổi cây, con giống. Do đó, sản phẩm của trang trại luôn có "đầu mối" đặt hàng, đến tận trang trại để thu mua, từ gà thịt, cá, vịt, lợn... cho đến cây cảnh, hoa quả.
Ao thả cá cho giá trị kinh tế cao.
Khi chúng tôi đến thăm, cả khu trang trại của ông Thụ và 2 trang trại bên cạnh đều trong tình trạng "phủ" bởi màu trắng của vôi bột. Vì là thờiđiểm các dịch bệnh đang lan tràn nên ý thức phòng dịch của các chủ trang trại rất cao. Tại trang trại của ông Thụ, 700-800 con gà, 20 con lợn vừa được tiêm phòng. Các ngóc ngách của trang trại đều được rắc vôi bột. Hỏi thăm đàn vịt thì được ông cho biết: Trang trại mới xuất lứa vịt mấy trăm con nên giờ không còn. Vì dịch tai xanh đang bùng phát nên ông hạn chế số lượng đàn lợn mà tập trung vào đàn gà và cá.
Để đảm bảo chất lượng gà thịt, ông ra tận Viện chăn nuôi mua giống rồi về nhân giống tại trang trại. Cách làm này không chỉ bảo đảm nguồn con giống mà còn tiết kiệm được một "món tiền" dành cho việc mua giống. Công đoạn ấp cho trứng nở cũng được ông thực hiện khá công phu: trước khi đưa trứng đến lò ấp, ông cho khử trùng toàn bộ. Sau khi từ lò ấp trứng về, lại thêm một lần khử trùng để đảm bảo nguồn con giống an toàn. Tất cả những việc này, theo ông Thụ là một cách để bảo vệ và duy trì "thương hiệu" cho sản phẩm của trang trại. Điều mà nhiều hộ chăn nuôi còn lơ là và ít quan tâm.
Mặc dù là một trong những hộ nông dân giàu của phố, của phường nhưng ông Đàm Văn Thụ hầu như không có thời gian rảnh rỗi, an nhàn. Từ sáng sớm đến tối mịt, ông lao động miệt mài, cần mẫn bên những vườn cây cảnh, ao cá, chuồng trại. Ông bảo: Vất vả như vậy nhưng vui vì mình đã thực hiện được mơ ước ấp ủ bấy lâu là có được một trang trại cho riêng mình trồng những cây, nuôi những con mà mình yêu thích... Dù ngại "lên" Báo, lên truyền hình nhưng ông vẫn nhận lời tiếp chúng tôi, chỉ vì: Mình làm được như này thì cũng nên hướng dẫn, phổ biến để mọi người làm theo. Hơn nữa, đất quê không "phụ" người quê. "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"...
Bài, ảnh: Bùi Diệu